Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững những vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Thứ hai - 12/11/2018 13:45

     Có thể nói Đảng và Nhà nước đã xác định vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế của nước ta. Vì thế, tại Hội nghị lần thứ 7 ban chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

     Trong xu hướng phát triển chung của đất nước, Hưng Yên là một tỉnh đồng bằng Sông Hồng, điều kiện giao thông thuận lợi, vị trí địa lý nằm tiếp giáp thủ đô Hà Nội, mật độ dân số sống ở vùng nông thôn cao, nên việc xác định phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn là tất yếu. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật còn chưa cao, quy mô sản xuất còn nhỏ. Vì vậy tỉnh Hưng Yên xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là then chốt để đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp, từ đó tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho đa số người dân ở nông thôn.

     Xuất phát từ tiền đề đó, ngày 12/11/2014 Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án đã xác định rõ tái cơ cấu trên ba lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã đạt được những thành quả to lớn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn được đổi thay hàng ngày.

     Song từ nay đến năm 2020, các cơ quan tham mưu cần tích cực tham mưu, vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp mà đề án đã đặt ra, đồng thời để đảm bảo thực hiện thắng lợi công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong thời gian tới các ngành, các cấp cần đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ trong tâm sau:

     Một là, công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch

     Trong những năm qua, công tác quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện khá tốt. Song trong thời gian tới, cơ quan cấp tỉnh cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội; tăng cường công khai minh bạch đối với các quy hoạch, đảm bảo các quy hoạch đi vào đời sống người dân, đem đến những nhận thức đúng đường lối, chủ trương trong công tác quy hoạch, từ đó người dân tự xây dựng kế hoạch chuyển đổi, tái cơ cấu trên những mảnh ruộng của mình, sẽ đi đến hiệu quả và chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

     Hai là, dồn thửa đổi ruộng là tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất

     Công tác dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 21-CT/TU ngày 14/6/2013 của Ban thường vụ tỉnh ủy và Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 18/9/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tiếp tục dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã được triển khai ở tất cả các huyện, thành phố, nhằm khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất để tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa hiệu quả cao. Cơ bản công tác này đã hoàn thành việc dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp trong năm 2014. Tuy nhiên, quy mô đất nông nghiệp của các hộ gia đình hiện nay vẫn còn nhỏ, chưa thực sự thuận lợi cho áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.

     Vì thế, bên cạnh thành công trong dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp qua biện pháp kỹ thuật hành chính, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác chuyển đổi cơ cấu, cây trồng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Đồng thời cũng khuyến khích tích tụ ruộng đất theo hướng chuyển nhượng, thuê mướn đất sản xuất nông nghiệp; chính quyền địa phương cũng cần có cơ chế chính sách, biện pháp để quản lý hình thức thuê mướn đất ruộng nông nghiệp phục vụ việc chuyển đổi cây trồng từ cây hàng năm sang cây lâu năm khi mà thời hạn thuê hết thì việc chuyển trả đất ruộng cho người cho thuê được thuận lợi. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần quản lý chặt chẽ việc dựng lều tạm để trông nom cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp.

     Ba là, củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn

     Cần định hướng sản xuất nông sản cho bà con trên cơ sở khoa học về thổ nhưỡng, nhu cầu của thị trường nhưng cũng cần đảm bảo sản xuất phân vùng, chuyên môn hóa cao. Chứ không nên sản xuất nhỏ lẻ, theo mô hình một nhà nông sản xuất nhiều sản phẩm để hạn chế mất mùa, rớt giá theo mặt hàng. Điều này sẽ dẫn đến sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao, làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm

     Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng hóa ổn định, cần tăng cường liên kết các nhà: Giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần hỗ trợ xúc tiến thương mại, nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh tới người tiêu dùng và những nhà đầu tư.

     Bốn là, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và quản lý chất lượng sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng

     Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Cần xây dựng mô hình liên kết hợp tác xã, hỗ trợ, tạo nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp với quy mô đủ lớn, giúp cho sản phẩm nông nghiệp ra thị trường lớn, cần tránh xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp vùng với phạm vi nhỏ cấp xã (ví dụ cam Quảng Châu, cam Đồng Thanh), điều này sẽ không tạo thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp vươn xa ra thị trường (trong khi trên địa bàn tỉnh nhiều nơi sản xuất cùng một sản phẩm).

     Cơ quan tham mưu cần xác định rõ sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Từ đó, tham mưu hỗ trợ thu hút dự án đầu tư vào địa bàn Hưng Yên với quy mô lớn, thực hiện công tác làm đầu mối chế biến và tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực. Do đặc thù sản phẩm nông nghiệp diễn ra theo thời vụ nên để thực hiện được điều này, cần khảo sát và phối hợp với các vùng lân cận, xác định sản phẩm chủ lực của cả vùng. Từ đó chủ đầu tư có thể thực hiện chế biến và tiêu thụ quanh năm.

     Năm là, nhà nước cần đóng vai trò trung tâm, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ liên kết các mô hình sản xuất, cũng như cung cấp thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp

     Tỉnh cũng cần tạo mối liên kết giữa các nhà sản xuất nông nghiệp, trang trại, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp; việc liên kết giữa các mô hình sẽ được chủ động, linh động thích ứng với thị trường. Muốn vậy nhà nước cần đóng vai trò là kho dữ liệu thông tin về sản phẩm, thị trường trong thời đại dữ liệu lớn (big data) để các nhà nông nghiệp gặp gỡ và liên kết, đóng vai trò tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

     Sáu là, xử lý vấn đề môi trường đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân

     + Đối với khu vực doanh nghiệp: Công tác môi trường cần tiếp tục siết chặt, thực hiện đúng việc xả thải ra môi trường đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quy định. Đặc biệt, trong thời gian tới thu hút doanh nghiệp vào đầu tư cần dịch chuyển vào khu công nghiệp tập trung, đảm bảo cho công tác xử lý môi trường.

     + Đối với nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất công nghiệp của các hộ sản xuất công nghiệp: đối với những khu vực tập trung đông dân cư, cần phân luồng nước thải, tập trung nước thải về hồ điều hòa, xử lý đảm bảo an toàn, đạt tiêu chuẩn xả thải mới được thải ra môi trường (nước thải sinh hoạt, sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng rất nhiều hóa chất sẽ gây hại cho môi trường nghiêm trọng nếu diễn ra trong thời gian dài và đặc biệt nước thải đó không đảm bảo lại được sử dụng để tưới tiêu cho cây trồng, rau màu và nuôi thủy sản).

     Có thể nói, các cơ quan chuyên môn tích cực vào cuộc thực hiện tốt các nhiệm vụ mà đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã đề ra, đồng thời cần đặc biệt tiếp tục tăng cường, thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, nhất định công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sẽ đạt được những thành công rực rỡ.

Tác giả bài viết: Lê Quý Tuyên; Phó cục trưởng - Cục Thống kê Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây