2 Banner ngang

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Một năm 2024

Thứ tư - 31/01/2024 07:49

1. Nông nghiệp và thủy sản  

Trong tháng Một năm 2024, nông dân trong toàn tỉnh đang tập trung phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch các loại cây rau màu vụ Đông; làm đất phục vụ sản xuất vụ Xuân; đồng thời bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm chuẩn bị cho tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đến thời điểm này, hoạt động sản xuất nông nghiệp và thủy sản toàn tỉnh cơ bản ổn định, cụ thể như sau:                 

a) Nông nghiệp

Cây hằng năm: tổng diện tích gieo trồng vụ Đông năm 2023-2024 sơ bộ đạt 6.794 ha, giảm 0,85% (giảm 58,3 ha) so với vụ Đông năm trước. Sơ bộ diện tích gieo trồng một số cây trồng chính như sau: ngô 1.294 ha, giảm 0,71% (giảm 9,20 ha); khoai lang 132 ha, giảm 2,22% (giảm 3,00 ha); đậu tương 199 ha, tăng 2,95% (tăng 5,70%); rau các loại 4.066 ha, giảm 2,06% (giảm 85,40 ha); đậu đỗ các loại 63 ha, giảm 14,56% (giảm 10,69%); hoa các loại 353 ha, tăng 0,63% (tăng 2,22 ha); cây hằng năm khác 440 ha, tăng 13,26% (tăng 51,53 ha).

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh tích cực chuẩn bị các điều kiện thực hiện kế hoạch gieo trồng vụ Xuân năm 2024. Để chủ động cho sản xuất, các địa phương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cày ải, nạo vét thủy lợi nội đồng, lấy nước đổ ải, phục vụ làm đất, chủ động nguồn cung giống lúa, phân bón. Theo kế hoạch đổ ải của tỉnh, lịch lấy nước đổ ải chia làm 2 đợt (đợt 1 từ 23/01/2024 - 30/01/2024; đợt 2 từ 18/02/2024 - 21/02/2024). Đến thời điểm này, diện tích làm đất lần 1 đạt 9.400 ha, diện tích ngả dược mạ đạt 508 ha, diện tích gieo mạ dày xúc đạt 35,5 ha.

Cây lâu năm: cây lâu năm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chủ yếu là cây ăn quả. Những năm gần đây, người nông dân đã chú trọng đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng từ cây giống đến quá trình cây ra hoa đậu quả, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật như: chiết, ghép, lai tạo giống, kích thích cây ra hoa trái vụ, phun thuốc tăng khả năng đậu quả và phòng trừ sâu bệnh kịp thời làm tăng năng suất cây trồng. Sơ bộ tổng diện tích hiện có các loại cây lâu năm đạt 15.794 ha, trong đó, toàn tỉnh có hơn 914 ha cây cảnh đang cho thu hoạch để phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm: Hiện nay đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh phát triển ổn định, không có địa phương nào xuất hiện dịch bệnh. Để đảm bảo chất lượng gia súc xuất bán trong dịp Tết và phát triển hoạt động chăn nuôi gia súc trong năm 2024, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi không chủ quan, lơ là trước diễn biến của dịch bệnh. Các hộ chăn nuôi cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; tạo môi trường thoáng, sạch, giữ ấm cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm dinh dưỡng và thường xuyên theo dõi sức khoẻ để kịp thời phát hiện bệnh.

Đối với đàn trâu, bò: hiện nay, các hộ chăn nuôi trâu, bò vẫn duy trì hình thức nuôi vỗ béo trâu, bò thịt bằng phương thức nuôi nhốt chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tại thời điểm 01/01/2024, ước tính đàn trâu đạt 4.801 con, tăng 1,98%; đàn bò 30.466 con, tăng 2,66%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng Một ước đạt 41 tấn, tăng 2,50%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 370 tấn, tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với đàn lợn: thời điểm này, giá bán thịt lợn trên thị trường tại các địa phương trong tỉnh bình quân từ 52.000-53.000 đồng/kg, tạo tâm lý yên tâm cho người dân yên tâm sản xuất và tái đàn, vì vậy, tổng đàn lợn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tổng đàn lợn của tỉnh thời điểm 01/01/2024 ước đạt 517.843 con, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng Một ước tính đạt 8.816 tấn, tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với đàn gia cầm: các cơ sở chăn nuôi gia cầm đã chủ động tăng đàn để chuẩn bị nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Mặt khác, yếu tố thị trường đang thuận lợi, giá bán thịt gia cầm xu hướng tăng. Tại thời điểm 01/01/2024, tổng đàn gia cầm ước tính đạt 9.407 nghìn con, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: đàn gà đạt 6.710 nghìn con, tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng sản phẩm gia cầm hơi xuất chuồng ước tính tháng Một ước đạt 3.683 tấn, tăng 2,59%, trong đó: sản lượng thịt gà tháng Một ước đạt 2.954 tấn, tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước.

b) Thủy sản

Tình hình sản xuất thuỷ sản của Hưng Yên tiếp tục ổn định và từng bước đa dạng giống nuôi trồng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước 5.105 ha, giảm 2,56% (giảm 134,6 ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm nuôi trồng chủ yếu vẫn là những giống cá trắm, chép, rô phi và một số giống cá khác như: cá mè, cá trôi,... cho năng suất cao.

Khai thác thủy sản trong tỉnh nhìn chung kém phát triển. Sản lượng thủy sản khai thác chủ yếu trên sông Hồng, sông Luộc và các vùng nước nội đồng. Tuy nhiên, sản lượng khai thác trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có xu hướng giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu do nguồn nước ô nhiễm, phương thức khai thác chưa bảo đảm dẫn đến nguồn tài nguyên thiên nhiên này ngày càng cạn kiệt.   

2. Sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Một tăng 2,39%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,82%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,60%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 7,90%. Các sản phẩm có sản lượng sản xuất tăng so với tháng trước là: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 0,92%; thức ăn cho gia cầm tăng 8,41%; nước khoáng không có ga tăng 7,51%; Giầy, dép khác chưa được phân vào đâu tăng 21,64%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 3,35%; sản phẩm bằng plastic tăng 0,78%; Mạch điện tử tích hợp tăng 3,29%; dây cách điện đơn bằng đồng tăng 8,85%;... Bên cạnh đó, cũng có các sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm so với tháng trước như: thức ăn cho gia súc giảm 7,10%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 10,12%; quần áo các loại giảm 8,26%; gỗ ốp, lát công nghiệp giảm 3,77%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước giảm 19,96%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 29,29%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 16,46%;...

So với tháng cùng kỳ năm trước, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Một tăng 11,25%, trong đó: Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,90%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 38,01%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 35,73%. Một số sản phẩm có khối lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ như: dây cách điện đơn dạng cuộn khác tăng 78,78%, dây cách điện đơn dạng cuộn bằng đồng tăng 3,66%, phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 26,37%, động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5W tăng 10,36%; sắt, thép các loại tăng 17,40%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 54,26%; mạch điện tử tích hợp tăng 16,25%; mạch in khác tăng 37,73%;... Bên cạnh đó, thức ăn cho gia súc giảm 2,33%; giày, dép giảm 24,88%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 32,12%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ giảm 20,20%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 6,11%;...

Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây