Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng Năm và năm tháng đầu năm 2024

Thứ hai - 03/06/2024 07:01

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản

Nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp tháng Năm của các địa phương trong tỉnh là tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa và cây rau màu vụ Xuân và cây ăn quả; đồng thời bảo vệ an toàn trên đàn gia súc, gia cầm. Tình hình cụ thể như sau: 
a) Cây hằng năm
Theo tổng hợp báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Xuân toàn tỉnh sơ bộ đạt 30.717 ha, giảm 2,06% (giảm 645 ha) so với vụ Xuân năm trước. Trong đó: diện tích gieo trồng cây lúa sơ bộ đạt 24.632,7 ha, giảm 2,77% (giảm 702,2 ha); ngô 957,6 ha, giảm 0,13% (giảm 1,2 ha); cây lấy củ có chất bột 90 ha, tăng 1,79% (tăng 1,6 ha); cây có hạt chứa dầu 490,7 ha, giảm 10,38% (giảm 56,9 ha); rau các loại 3.426,4 ha, tăng 2,01% (tăng 67,6 ha); đậu các loại 178 ha, giảm 6,00% (giảm 11,4 ha); hoa các loại 337,9 ha, tăng 1,31% (tăng 4,4 ha); cây hằng năm khác 603,5 ha, tăng 9,63% (tăng 53,0 ha). 
Hiện nay, trên đồng ruộng xuất hiện các loại sâu, bệnh hại lúa như: bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn (diện tích nhiễm 52 ha, diện tích phòng trừ 153,5 ha); đạo ôn cổ bông (diện tích nhiễm 43,5 ha, diện tích phòng trừ 329 ha); bệnh khô vằn (diện tích nhiễm 6.006 ha, diện tích phòng trừ 6.447 ha); rầy nâu - rầy lưng trắng (diện tích nhiễm 1.063 ha, diện tích phòng trừ 1.017 ha). Theo khuyến cáo của ngành chức năng, các địa phương cần chủ động phòng trừ sâu, bệnh hại lúa vụ xuân từ nay đến cuối vụ, không để cho diện tích lúa bị sâu, bệnh hại lan rộng. Một số diện tích lúa vụ Xuân đã cho thu hoạch. Các địa phương đang huy động tối đa nhân lực, vật lực để thu hoạch lúa xuân nhanh gọn theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu những rủi ro do thời tiết gây ra.
Đến ngày 24/5/2024, toàn tỉnh đã thu hoạch được 100 ha lúa, 3.626 ha rau màu và hoa, cây cảnh. Theo khuyến cáo của ngành chức năng, bà con nông dân cần thu hoạch rau màu vụ Xuân đúng thời kỳ để bảo đảm chất lượng nông sản, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm.
b) Cây lâu năm
Tổng diện tích hiện có cây lâu năm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt 15.829,4 ha (trong đó chủ yếu là diện tích cây ăn quả - chiếm 93,2%), giảm 0,21%, tương ứng giảm 34 ha so với cùng kỳ năm trước.
Thời điểm này, các hộ trồng cây ăn quả đang tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại; tiến hành chăm sóc, bón phân theo quy trình kỹ thuật của từng loại cây, tăng cường sử dụng thêm các loại phân bón hữu cơ, NPK tổng hợp có bổ sung các yếu tố vi lượng để quả sinh trưởng, phát triển tốt tạo tiền đề về năng suất và chất lượng. Trên những diện tích vải chuẩn bị cho thu hoạch, không phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân hóa học, tuân thủ thời gian cách ly theo khuyến cáo của ngành chức năng nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài cây ăn quả thì những năm gần đây, cây cảnh lâu năm cũng là một trong những cây cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, diện tích trồng cam cảnh, quất cảnh, diện tích của cây bonsai,... tiếp tục được mở rộng.
c) Chăn nuôi
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ đàn vật nuôi, dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Từ cuối tháng Tư, ngành chức năng đã thực hiện triển khai tiêm phòng vacxin phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân Hè năm 2024. Trong đó, tháng Năm tập trung tiêm phòng các bệnh tả, tụ huyết trùng trên đàn lợn, trâu, bò; tiêm phòng cúm gia cầm trên đàn gia cầm.
Thời điểm 01/5/2024, ước tính đàn trâu của tỉnh đạt 4.712 con, tăng 0,90% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò 30.327 con, giảm 0,74%; đàn lợn 502.123 con, giảm 0,70%; đàn gia cầm 9.120 nghìn con, giảm 2,96% (trong đó: gà 6.324 nghìn con, giảm 2,03%). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước tính trong tháng Năm như sau: thịt trâu 50 tấn, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò 243 tấn, tăng 5,19%; thịt lợn 8.942 tấn, tăng 6,73%; thịt gia cầm 3.260 tấn, tăng 5,84% (trong đó: thịt gà 2.912 tấn, tăng 5,66%).
d) Thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 5.114 ha, giảm 1,55% (giảm 81 ha), chủ yếu là diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh. Hiện nay, nuôi cá lồng trên sông là hướng sản xuất thủy sản sạch, an toàn và hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Đối tượng nuôi chính ở các lồng trên sông là cá lăng chấm, lăng vàng, trắm cỏ, rô phi đơn tính, diêu hồng, chép giòn, ngạnh,...
Hoạt động khai thác thuỷ sản của tỉnh vẫn được duy trì ở quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình. Những thuyền đánh cá trên sông phần nhiều là thuyền nhỏ không động cơ, khai thác thuỷ sản không chuyên nghiệp bằng những dụng cụ đơn giản như lưới, vó, tranh thủ khai thác theo mùa vụ nên sản lượng thu được không nhiều. Để  bảo đảm tính bền vững của ngành đánh bắt khai thác thủy sản nội địa, tỉnh đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp như: nghiêm cấm các hình thức đánh bắt, khai thác thủy sản trên sông Hồng, sông Luộc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong thời gian từ ngày 1/3 đến 31/5 hằng năm để bảo vệ đường di cư, bãi đẻ trứng của cá cháy, cá mòi cờ chấm, cá mòi cờ hoa; kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi xả thải, để rò rỉ các chất độc hại trong sản xuất công nghiệp từ các làng nghề, nhà máy chảy vào môi trường nước tự nhiên làm suy giảm nguồn lợi thủy sản.
2. Sản xuất công nghiệp
So với tháng trước, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Năm tăng 2,43%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,37%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,11%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,33%. Các sản phẩm có sản lượng sản xuất tăng so với tháng trước là: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 5,02%; thức ăn cho gia súc tăng 1,99%; thức ăn cho gia cầm tăng 4,72%; giày, dép khác chưa được phân vào đâu tăng 16,10%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 12,61%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 21,51%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 13,68%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 8,02%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5 W tăng 6,73%;... Một số sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm so với tháng trước như: nước khoáng không có ga giảm 4,05%; quần áo các loại giảm 0,36%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) giảm 1,15%; sản phẩm bằng plastic giảm 1,07%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 8,78%;...
 So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Năm tăng 13,16%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,47%; sản xuất, phân phối điện, nước nóng và hơi nước tăng 8,82%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,29%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng có khối lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 6,05%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 23,54%; sắt, thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng 9,68%; thép hợp kim khác dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng 34,22%; thanh, que thép không gỉ khác tăng 123,08%; góc, khuôn, hình bằng sắt, thép đã được hàn tăng 17,06%; ống và đường ống bằng sắt, thép không nối khác tăng 10,51%; tụ điện cố định khác tăng 6,88%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi (CD, DVD,...) tăng 7,64%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37,5 W tăng 8,50%;... Bên cạnh đó, các sản phẩm có khối lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền giảm 10,09%; thức ăn cho gia súc giảm 11,28%; thức ăn cho gia cầm giảm 19,44%; quần áo các loại giảm 2,29%; giầy, dép khác chưa được phân vào đâu giảm 1,75%; thùng, hộp bằng giấy nhăn và bìa nhăn giảm 3,86%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước giảm 5,35%; sản phẩm bằng plastic giảm 7,65%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 43,46%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ giảm 41,02%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 7,43%;...
Tính chung năm tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,31%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,96%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,28%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng như: sản xuất trang phục tăng 4,27%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 5,19%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 18,63%; sản xuất kim loại tăng 4,99%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18,12%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 29,52%; sản xuất thiết bị điện tăng 13,13%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 21,81%;...
Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong năm tháng đầu năm có khối lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 5,18%; nước khoáng không có ga tăng 5,73%; quần áo các loại tăng 6,78%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 5,76%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 16,05%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 4,22%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 6,30%; sắt, thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng 6,43%; thép hợp kim khác dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng 13,16%; thanh, que thép không gỉ khác tăng 27,19%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 26,52%; dây cách điện đơn dạng cuộn khác tăng 41,02%; tụ điện và mạch tăng 53,66%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm chủ yếu trong năm tháng đầu năm có sản lượng sản xuất giảm như: thức ăn cho gia súc giảm 12,40%; thức ăn cho gia cầm giảm 16,53%; giày, dép khác chưa được phân vào đâu giảm 13,36%; thùng, hộp bằng giấy nhăn và bìa nhăn giảm 8,75%; sản phẩm bằng plastic giảm 17,48%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 48,09%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ giảm 50,58%;...
3. Hoạt động đầu tư
a) Vốn đầu tư ngân sách địa phương

Ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Năm đạt 693.335 triệu đồng, giảm 37,23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 357.030 triệu đồng, giảm 41,40%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 157.031 triệu đồng, giảm 31,10%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 179.274 triệu đồng, giảm 32,95%.
Tính chung năm tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.975.454 triệu đồng, giảm 11,82% so với cùng kỳ năm trước và đạt 20,03% kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 2.102.987 triệu đồng, giảm 12,57%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 1.031.807 triệu đồng, giảm 8,34%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 840.660 triệu đồng, giảm 14,02%.
b) Hoạt động đầu tư nước ngoài
Tính đến ngày 20/5/2024, toàn tỉnh có 570 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 7.444.924 nghìn USD. Trong đó, từ đầu năm đến ngày 20/5/2024, có 22 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký 468.586 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: thứ nhất là Nhật Bản có 176 dự án, vốn đăng ký là 3.862.671 nghìn USD, chiếm 51,88% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 157 dự án, vốn đăng ký 895.058 nghìn USD, chiếm 12,02% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 143 dự án, vốn đăng ký 1.155.166 nghìn USD, chiếm 15,52% tổng số vốn đăng ký.
c) Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Tính từ ngày 22/4/2024 đến ngày 21/5/2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 184 doanh nghiệp, vốn đầu tư đăng ký 1.794 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo 39 doanh nghiệp, vốn đăng ký 365 tỷ đồng; sản xuất phân phối, điện, nước, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 5 doanh nghiệp, vốn đăng ký 34 tỷ đồng; xây dựng 17 doanh nghiệp, vốn đăng ký 117 tỷ đồng; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy 82 doanh nghiệp, vốn đăng ký 599 tỷ đồng; vận tải kho bãi 7 doanh nghiệp, vốn đăng ký 31 tỷ đồng; dịch vụ lưu trú và ăn uống 6 doanh nghiệp, vốn đăng ký 16 tỷ đồng; kinh doanh bất động sản 10 doanh nghiệp, vốn đăng ký 527 tỷ đồng; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 6 doanh nghiệp, vốn đăng ký 22 tỷ đồng; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 7 doanh nghiệp, vốn đăng ký 69 tỷ đồng;...
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/5/2024, toàn tỉnh có 792 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đầu tư đăng ký đạt 7.416 tỷ đồng. Trong đó: ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhiều nhất, với 323 doanh nghiệp, vốn đăng ký đạt 1.535 tỷ đồng (chiếm 20,69% tổng vốn đăng ký); công nghiệp chế biến, chế tạo 160 doanh nghiệp, vốn đăng ký đạt 2.886 tỷ đồng (chiếm 38,91%); xây dựng 66 doanh nghiệp, vốn đăng ký 382 tỷ đồng (chiếm 5,15%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 33 doanh nghiệp, vốn đăng ký 141 tỷ đồng (chiếm 1,91%); hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 48 doanh nghiệp, vốn đăng ký 291 tỷ đồng (chiếm 3,93%);...
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng Năm (tính từ ngày 22/4/2024 đến ngày 21/5/2024) là 22 doanh nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/5/2024, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng là 178 doanh nghiệp.
Cũng từ ngày 22/4/2024 đến ngày 21/5/2024, số doanh nghiệp giải thể là 16 doanh nghiệp, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 27 doanh nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/5/2024, có 88 doanh nghiệp giải thể và 497 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 26 doanh nghiệp giải thể và 136 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; ngành bán buôn, bán lẻ có 30 doanh nghiệp giải thể và 175 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; kinh doanh bất động sản có 8 doanh nghiệp giải thể và 19 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ có 3 doanh nghiệp giải thể và 32 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh;...
4. Thương mại, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước đạt 6.068.867 triệu đồng, giảm 2,08% so với tháng trước và giảm 35,67% so cùng kỳ năm 2023. Tính chung năm tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 27.356.930 triệu đồng, giảm 37,26% so cùng kỳ năm 2023. Cụ thể:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Năm ước đạt 2.783.035 triệu đồng, giảm 1,52% so với tháng trước và tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến tăng, giảm của doanh thu bán lẻ hàng hóa so với tháng trước cụ thể như sau: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm giảm 0,56%; nhóm hàng may mặc giảm 2,83%; nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,98%; nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 5,29%; nhóm hàng ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) giảm 3,00%; nhóm hàng phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 0,68%; nhóm nhiên liệu, xăng dầu giảm 10,33%; nhóm hàng hóa khác giảm 2,93%;…
Năm tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 13.612.291 triệu đồng, tăng 7,98% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng, giảm doanh thu của một số nhóm ngành hàng, dịch vụ chủ yếu như sau: đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,20%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 2,77%; xăng dầu các loại tăng 68,41%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 9,19%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 32,51%; hàng hóa khác tăng 15,33%; lương thực, thực phẩm giảm 1,57%; hàng may mặc giảm 4,88%; vật phẩm, văn hoá, giáo dục giảm 22,55%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) giảm 10,22%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) giảm 0,93%; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 2,46%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 242.047 triệu đồng, giảm 1,16% so với tháng trước và tăng 0,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú 10.879 triệu đồng, tăng 7,60% so với tháng trước và tăng 17,00% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch ăn uống 231.168 triệu đồng, giảm 1,54% so với tháng trước và tăng 0,09% so với cùng kỳ năm trước.
Năm tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.198.547 triệu đồng, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: dịch vụ lưu trú 48.442 triệu đồng, giảm 0,58%; dịch vụ ăn uống 1.150.105 triệu đồng, tăng 0,04%.
Doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành tháng Năm ước đạt 6.804 triệu đồng, tăng 4,31% so với tháng trước và tăng 86,15% so với cùng kỳ năm trước. Năm tháng đầu năm 2024, dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 27.147 triệu đồng, tăng 108,07% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu ngành dịch vụ khác tháng Năm ước đạt 3.036.980 triệu đồng, giảm 2,68% so với tháng trước và giảm 53,57% so cùng kỳ năm trước. Chi tiết một số ngành như sau: dịch vụ kinh doanh bất động sản doanh thu ước đạt 2.583.824 triệu đồng, giảm 3,22% so với tháng trước và giảm 57,82% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ 167.711 triệu đồng, giảm 0,36% so với tháng trước và giảm 2,64% so với cùng kỳ năm 2023; giáo dục và đào tạo 113.477 triệu đồng, giảm 1,44% so với tháng trước và tăng 29,71% so với cùng kỳ năm trước; ...
Năm tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 12.518.945 triệu đồng, giảm 57,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: kinh doanh bất động sản 10.236.151 triệu đồng, giảm 63,11%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ 857.356 triệu đồng, giảm 0,41%; giáo dục và đào tạo 587.405 triệu đồng, tăng 30,92%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 261.526 triệu đồng, tăng 21,10%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí 63.911 triệu đồng, tăng 11,36%; dịch vụ khác 512.595 triệu đồng, tăng 12,09%;…
5. Chỉ số giá
a) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm tăng 0,16% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì 9 nhóm có chỉ số giá tăng, 2 nhóm có chỉ số giá giảm. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có chỉ số giá tăng là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,87%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,03%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,28%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,10%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; bưu chính viễn thông tăng 0,17%; giáo dục tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có chỉ số giá giảm là: giao thông giảm 1,73%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,65%.
So với tháng cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm tăng 8,54%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá. Cụ thể: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,28% (lương thực tăng 23,40%; thực phẩm tăng 3,22%; ăn uống ngoài gia đình tăng 8,30%); đồ uống và thuốc lá tăng 2,91%; hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 6,70%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 23,89%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,59%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 15,06%; dịch vụ giao thông tăng 1,98%; giáo dục tăng 3,75%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,83%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,29%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 2,90%.
Bình quân chung năm tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,10% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá. Cụ thể: hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 5,65%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,77%; hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 5,85%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 23,29%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,07%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 15,06%; giao thông tăng 0,35%; giáo dục tăng 3,72%; dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,45%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,59%; bưu chính, viễn thông giảm 2,88%.
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tại tỉnh Hưng Yên tháng Năm tăng 2,98% so với tháng trước và tăng 32,83% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 23,96% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giá vàng tăng là do thời gian qua lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng liên tục giảm; đầu tư khó khăn; thị trường bất động sản vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, do đó, dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý là vàng. Hiện giá vàng trên địa bàn tỉnh đang ở mức giá cao nhất trong mấy năm trở lại gần đây, với giá xấp xỉ 7.449.000 VNĐ/1 chỉ.
Trong tháng, giá đồng đô la Mỹ có xu hướng tăng so tháng trước do nhu cầu mua đầu tư tích trữ tăng. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng Năm tăng 1,32% so với tháng trước và tăng 7,75% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm tháng đầu năm 2024, chỉ số giá đồng đô la Mỹ tăng 5,12% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá chuyển đổi đồng đô la Mỹ sang Việt Nam đồng xấp xỉ 25.467 VNĐ.
6. Hoạt động vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi tháng Năm ước đạt 554.257 triệu đồng, tăng 1,15% so với tháng trước và tăng 6,53% so với cùng kỳ năm trước. Năm tháng đầu năm 2024, doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 2.754.967 triệu đồng, tăng 8,68% so với cùng kỳ năm trước.
a) Hoạt động vận tải hành khách
Vận tải hành khách tháng Năm ước đạt 1.569 nghìn lượt người vận chuyển và 87.285 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 9,42% về lượt người vận chuyển và tăng 9,80% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 79.043 triệu đồng, tăng 5,58%.
Tính chung năm tháng đầu năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 7.589 nghìn lượt người vận chuyển và 429.106 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 4,83% về lượt người vận chuyển và tăng 5,04% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 392.668 triệu đồng, tăng 3,38%.
b) Hoạt động vận tải hàng hoá
Vận tải hàng hoá tháng Năm ước đạt 3.216 nghìn tấn vận chuyển và 150.417 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 10,04% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 9,83% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 394.421 triệu đồng, tăng 6,27% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung năm tháng đầu năm 2024, vận tải hàng hoá ước đạt 15.771 nghìn tấn vận chuyển và 728.299 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 10,88% về tấn hàng hoá vận chuyển và tăng 9,98% về tấn hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.967.939 triệu đồng, tăng 9,94%.
c) Kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng Năm ước đạt 59.303 triệu đồng, tăng 1,45% so với tháng trước và tăng 11,77% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm 2024, doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 297.347 triệu đồng, tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu bưu chính, chuyển phát tháng Năm ước đạt 21.490 triệu đồng, tăng 3,45% so với tháng trước và tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm 2024, doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 97.012 triệu đồng, tăng 2,15% so với cùng kỳ năm trước.
7. Hoạt động tài chính, ngân hàng
a) Thu ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tháng Năm ước đạt 4.109.557 triệu đồng, tăng 130,87% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thu nội địa 3.699.288 triệu đồng, tăng 146,40%; thuế xuất nhập khẩu 410.269 triệu đồng, tăng 47,22%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 20.111 triệu đồng, tăng 34,32%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 261.410 triệu đồng, tăng 66,24%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 1.406.337 triệu đồng, tăng 58,68%; thu thuế thu nhập cá nhân 120.889 triệu đồng, tăng 5,31%; các khoản thu về đất 1.751.693 triệu đồng, tăng 674,06%;...
Tính chung năm tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 17.441.470 triệu đồng, tăng 32,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thu nội địa 15.680.000 triệu đồng, tăng 33,25%; thuế xuất nhập khẩu 1.761.470 triệu đồng, tăng 24,86%. Một số khoản thu nội địa như sau: thu từ doanh nghiệp Nhà nước 102.000 triệu đồng, tăng 27,99%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.620.000 triệu đồng, tăng 20,58%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 6.600.000 triệu đồng, tăng 5,29%; thu lệ phí trước bạ 250.000 triệu đồng, tăng 38,19%; thuế thu nhập cá nhân 840.000 triệu đồng, tăng 24,34%; các khoản thu về đất 5.736.000 triệu đồng, tăng 106,27%.
b) Chi ngân sách Nhà nước địa phương
Tính từ ngày 01/01/2024 đến ngày 24/5/2024, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 10.890.654 triệu đồng, đạt 37,92% kế hoạch năm. Trong đó: chi đầu tư phát triển 7.952.326 triệu đồng; chi thường xuyên 2.938.327 triệu đồng. Một số khoản chi thường xuyên như sau: chi sự nghiệp kinh tế 140.129 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 1.118.447 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 327.591 triệu đồng; chi sự nghiệp khoa học và công nghệ 14.719 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 50.819 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 279.528 triệu đồng; chi quản lý hành chính 759.312 triệu đồng; chi thường xuyên khác 247.782 triệu đồng.
c) Hoạt động ngân hàng
Ước tính tại thời điểm ngày 31/5/2024, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 142.926.556 triệu đồng, tăng 2,57% so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó: nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 133.794.529 triệu đồng, tăng 2,51% và chiếm 93,61% tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ đối với nền kinh tế ước tính đến thời điểm 31/5/2024 đạt 100.122.908 triệu đồng, tăng 2,13% so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn 73.261.311 triệu đồng, tăng 2,98%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 26.861.597 triệu đồng, giảm 0,12%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 96.500.292 triệu đồng, tăng 2,13%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 3.622.616 triệu đồng, tăng 2,19%.
Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.809.297 triệu đồng (chiếm 1,81% tổng dư nợ), tăng 48,17% so với thời điểm 31/12/2023.
II. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
1. Hoạt động văn hóa, thể thao
a) Hoạt động văn hóa

Văn hóa quần chúng và tuyên truyền cổ động: Tỉnh đã tổ chức thành công Hội thi xe tuyên truyền lưu động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024); tổ chức 08 buổi xe ô tô tuyên truyền lưu động chào mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thư viện tỉnh tuyên truyền hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4; ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 bằng băngzôn, khẩu hiệu, xe ôtô lưu động trên địa bàn tỉnh. Tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 tại thị xã Mỹ Hào gồm các hoạt động: Tổ chức Cuộc thi vẽ tranh theo sách với chủ đề “Cùng em đọc sách” cho học sinh Tiểu học và THCS thu hút gần 100 em tham gia; phát động, hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024; nói chuyện chuyên đề, giao lưu về sách và văn hóa đọc; trưng bày, giới thiệu sách, xếp mô hình sách nghệ thuật tại Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh thị xã Mỹ Hào; tặng trên 300 cuốn sách cho 04 thư viện, tủ sách cơ sở thư viện trường học và bạn đọc tiêu biểu.
Nghệ thuật biểu diễn: Nhà hát Chèo đã dàn dựng, tập luyện, tập lại các vở diễn, chương trình ca, múa nhạc đi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của Nhân dân, trọng tâm là: biểu diễn tuyên truyền kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980- 19/5/2024); biểu diễn chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 và tổng kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hưng Yên năm 2024; biểu diễn tuyên truyền tại các lễ hội địa phương. Tổng số buổi biểu diễn trong tháng Năm là 3 buổi.
Điện ảnh: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức 72 buổi chiếu phim (12 buổi lưu động, 60 buổi tại rạp) phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của Nhân dân.
Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2025), 20 năm ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025), ngày 15/5/2024, Công an tỉnh đã tổ chức khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng lần thứ VIII năm 2024. Với chủ đề “80 năm Công an nhân dân - vang mãi bản hùng ca”, hội diễn nghệ thuật quần chúng lần thứ VIII năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/5 với sự tham gia của 14 đoàn nghệ thuật với hơn 400 diễn viên là lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đến từ Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
b) Hoạt động thể dục, thể thao
Thể dục, thể thao quần chúng: Giải Cầu lông cán bộ lãnh đạo, quản lý và vô địch các nhóm tuổi tỉnh Hưng Yên năm 2024 đã diễn ra từ ngày 09-11/5/2024. Tham dự giải có 300 VĐV đến từ 25 đơn vị của các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành trong tỉnh. Các vận động viên thi đấu tranh tài ở 2 đối tượng: cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các nhóm tuổi. Ban tổ chức đã trao huy chương và giải thưởng cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc, trao giải toàn đoàn cho các đơn vị giành giải nhất, nhì, ba.
Ngày 24/5, tại bể bơi Vinhomes Ocean Park 3 (huyện Văn Giang) đã diễn ra Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước và tổ chức Giải vô địch bơi lội các nhóm tuổi tỉnh Hưng Yên năm 2024. Tại Lễ phát động, Ban tổ chức đã tuyên truyền, vận động toàn dân trên địa bàn tỉnh tập luyện môn bơi, đặc biệt đối tượng là trẻ em, học sinh tích cực tập luyện thể dục, thể thao, vui chơi giải trí nhằm nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống, phát triển toàn diện và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước.
Thể thao thành tích cao: Chỉ đạo tập trung cao cho công tác đào tạo, huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao tỉnh; chuẩn bị tốt lực lượng vận động viên các môn sẵn sàng tham gia thi đấu các giải thể thao quốc gia năm 2024. Trong tháng Năm, đoàn thể thao của tỉnh đã tập huấn, tham dự thi đấu 03 giải gồm: Cử tạ, Boxing, Bóng chuyền nữ, kết quả đạt 11 huy chương các loại (4 huy chương Bạc, 7 huy chương Đồng).
2. Hoạt động y tế
Bệnh tay chân miệng: lũy kế từ đầu năm đến ngày 23/5/2024, toàn tỉnh ghi nhận 77 ca mắc bệnh tay chân miệng, bệnh nhân được sàng lọc tại bệnh viện khi đến khám và điều trị, không có trường hợp tử vong.
Sốt xuất huyết Dengue: lũy kế từ đầu năm đến ngày 23/5/2024, toàn tỉnh ghi nhận tổng số 08 ca, không có trường hợp tử vong. Không ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, các bệnh nhân mắc bệnh đều đã được điều tra, giám sát.
Dịch Covid-19: lũy kế từ đầu năm đến ngày 23/5/2024, toàn tỉnh ghi nhận tổng số 78 ca mắc, không có trường hợp tử vong.
Tình hình một số bệnh truyền nhiễm khác:
+ Bệnh bạch hầu, đậu mùa khỉ: hiện tại, toàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc.
+ Bệnh cúm mùa: toàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm cúm A H5N1 và H7N9, lũy kế số ca mắc cúm mùa từ đầu năm 2024 đến nay là 2.807 ca theo báo cáo của các địa phương trên phần mềm bệnh truyền nhiễm (TT54), các bệnh nhân được phát hiện tại các cơ sở y tế, không ghi nhận ca bệnh nặng hoặc tử vong.
3. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 16/04/2024 đến ngày 15/5/2024, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phát hiện 5 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 1 vụ với số tiền xử phạt 10 triệu đồng. Trong 5 vụ vi phạm môi trường có: 2 vụ về nước thải, 2 vụ về khai thác tài nguyên khoáng sản (cát) và 1 vụ về an toàn thực phẩm. Các vụ còn lại hiện nay đang trong quá trình xử lý vi phạm. So với tháng trước, số vụ vi phạm tăng 2 vụ, số vụ xử phạt tăng 01 vụ, số tiền xử phạt tăng 10 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm giảm 19 vụ, số vụ xử phạt giảm 20 vụ, số tiền xử phạt giảm 69 triệu đồng. Lũy kế từ ngày 16/12/2023 đến ngày 15/5/2024, toàn tỉnh đã phát hiện 20 vụ vi phạm môi trường, xử lý 13 vụ với tổng số tiền xử phạt là 170 triệu đồng. Nguyên nhân xử phạt chủ yếu về vi phạm quản lý chất thải nguy hại, xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường; tiếp nhận chất thải rắn không đúng quy định; khai thác cát trái phép, an toàn vệ sinh thực phẩm,....
Từ ngày 15/4/2024 đến ngày 14/5/2024, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xảy ra 03 vụ cháy tại huyện Văn Lâm (01 vụ) và huyện Yên Mỹ (02 vụ), trong đó có 02 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh khác và 01 vụ cháy loại hình khác, không có người chết, người bị thương do cháy. Lũy kế từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/5/2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ cháy, làm 02 người bị thương, không có người chết.
4. An toàn giao thông
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 15/4/2024 đến 14/5/2024, toàn tỉnh xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 11 người, làm bị thương 44 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 14 vụ, giảm 25,45%; số người chết giảm 01 người, giảm 8,33%; số người bị thương giảm 14 người, giảm 24,14%. Tính từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 14/5/2024, toàn tỉnh đã xảy ra 288 vụ tai nạn giao thông, làm chết 82 người, làm bị thương 285 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn tăng 86 vụ, tăng 42,57%; số người chết tăng 9 người, tăng 12,33%; số người bị thương tăng 145 người, tăng 103,57%./.

 

Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây