Cục Thống kê Hưng Yên

http://www.thongkehungyen.gov.vn


Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 3 và quý I năm 2019

Sản xuất vụ đông: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông toàn tỉnh đạt 9.518,37 ha, giảm 16,71% (giảm 1.909 ha) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: ngô 2.176,71 ha, giảm 35,16% (giảm 1.180,45 ha); khoai lang 307,57 ha, giảm 6,61% (giảm 21,78 ha);

    1. Sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản
    a. Trồng trọt
   Sản xuất vụ đông:
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông toàn tỉnh đạt 9.518,37 ha, giảm 16,71% (giảm 1.909 ha) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: ngô 2.176,71 ha, giảm 35,16% (giảm 1.180,45 ha); khoai lang 307,57 ha, giảm 6,61% (giảm 21,78 ha); lạc 124,16 ha, giảm 0,83% (giảm 1,04 ha); đậu tương 210,88 ha, giảm 32,0% (giảm 99,23 ha); cây rau, đậu, hoa các loại 5.762,78 ha, giảm 7,36% (giảm 458 ha), trong đó: rau các loại 5.333,42 ha, giảm 7,77% (giảm 449 ha); đậu các loại 100,44 ha, giảm 30,35% (giảm 43,77 ha); diện tích hoa các loại 328,92 ha, tăng 11,99% (tăng 35 ha); cây gia vị, dược liệu hàng năm 421,19 ha, giảm 6% (giảm 27,25 ha).
    Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông năm nay giảm so với năm trước, nguyên nhân do một số hộ sản xuất đã chuyển diện tích đất cây hàng năm sang trồng các loại cây lâu năm (nhãn, chuối, cam...); nhượng đất cho xây dựng doanh nghiệp, làm kinh tế trang trại,... Những năm gần đây, quá trình chuyển đổi đất trồng từ cây hàng năm sang cây ăn quả lâu năm diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi vụ, diện tích gieo trồng chuyển từ cây hàng năm sang cây ăn quả khoảng hơn một nghìn ha. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản kết thúc thu hoạch cây vụ đông. Từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch, thời tiết tương đối thuận lợi; mặc dù có xuất hiện đợt rét đậm, mưa nhiều ngày và sâu bệnh, nhưng không ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Vì vậy, hầu hết các loại cây rau màu vụ đông năm nay đều cho năng suất khá hơn năm trước.
    Năng suất một số cây vụ đông như sau: ngô 56,01 tạ/ha, tăng 0,06 tạ/ha (tăng 0,11%); khoai lang 144,10 tạ/ha, tăng 1,27 tạ/ha (tăng 0,89%); đậu tương 18,50 tạ/ha, tăng 0,09 tạ/ha (tăng 0,49%); rau các loại 233,64 tạ/ha, tăng 5,46 tạ/ha (tăng 2,39%).
    Sản lượng một số cây trồng chủ yếu như sau: ngô 12.192 tấn, giảm 6.592 tấn (giảm 35,09%); khoai lang 4.432 tấn, giảm 272 tấn (giảm 5,78%); đậu tương 390 tấn, giảm 181 tấn (giảm 31,70%); rau các loại 124.609 tấn, giảm 19.038 tấn (giảm 13,25%). Nguyên nhân là do diện tích gieo trồng các loại đều giảm so với cùng kỳ năm trước.  
    Sản xuất vụ xuân: Vụ lúa xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 31.440 ha, trong đó phấn đấu gieo cấy hơn 21 nghìn ha lúa chất lượng cao (chiếm 66,79% diện tích gieo trồng) bằng các giống lúa như Bắc Thơm 7, Hương Thơm 1... và các giống lúa nếp. Cùng với đó, tăng cường mở rộng diện tích để gieo cấy các giống lúa lai chiếm khoảng 22-25% diện tích (khoảng 7-8 nghìn ha) như: Thiên ưu 8, TBR1, TH 3-3...., thực hiện cách đồng mẫu lớn tại một số địa phương.
    Để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ xuân, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo một số công việc trọng tâm như: cung cấp đủ lượng thóc giống, kể cả giống dự phòng cho nông dân trong tỉnh; lấy nước đổ ải gieo cấy vụ đông xuân, chủ động trữ nước trong các ao, hồ, sông trục, không tháo nước ra sông ngoài gây lãng phí, ảnh hưởng tới việc tưới dưỡng lúa sau gieo cấy; kiểm tra, giám sát công tác đặt bả, rải bả để diệt chuột theo đúng kỹ thuật; chỉ đạo nông dân các địa phương trong tỉnh không gieo mạ và cấy lúa khi trời rét đậm, rét hại dưới 150C.
    Đến nay, toàn tỉnh đã kết thúc gieo cấy lúa xuân với tổng diện tích gần 32 nghìn ha, bảo đảm đúng lịch thời vụ. Trong đó, diện tích cấy mạ non (mạ gieo trên nền đất cứng) chiếm trên 73%, còn lại là gieo thẳng. Hiện nay, trên đồng ruộng đã xuất hiện sâu, bệnh hại lúa như bệnh đạo ôn (diện tích nhiễm 46 ha, diện tích được phòng trừ 40 ha); ốc bươu vàng (diện tích nhiễm 70 ha, diện tích được phòng trừ 70 ha). Theo khuyến cáo của ngành chức năng, nông dân các địa phương cần tiến hành chăm sóc cho lúa đúng kỳ theo quy trình từng giống, điều tiết nước trong ruộng hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng và phát triển, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi, phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại.
    Bên cạnh việc gieo cấy lúa xuân, nông dân các địa phương cũng tích cực gieo trồng rau màu vụ xuân. Đến ngày 25/3, toàn tỉnh đã gieo trồng được 7.227 ha rau màu, trong đó: ngô 1.672 ha; lạc, đậu tương 839 ha; dược liệu, hoa cây cảnh 1.390 ha; rau màu khác 3.326 ha. Diện tích thu hoạch rau màu vụ xuân đạt 995 ha.
    Ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, tất cả các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt ra quân phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Đến ngày 25/3/2019, toàn tỉnh đã trồng được 185.600 cây xanh, trong đó có 148.150 cây ăn quả và 37.450 cây bóng mát.
    b. Chăn nuôi
    Diễn biến tình hình dịch tả lợn Châu Phi: Hiện nay, tỉnh Hưng Yên đã công bố dịch tại 45 xã của 10 huyện, thành phố: Trung Nghĩa, Phú Cường (TP. Hưng Yên); Yên Hòa, Đồng Than, Hoàn Long, Liêu Xá, Việt Cường, Tân Việt, Thường Kiệt, Yên Phú, Trung Hưng, Ngọc Long, Trung Hòa, TT. Yên Mỹ (Yên Mỹ); Bãi Sậy, Vân Du, Hồng Quang, Hoàng Hoa Thám, Tân Phúc, Bắc Sơn, Phù Ủng (Ân Thi); Nghĩa Dân, Đức Hợp, Toàn Thắng, TT. Lương Bằng (Kim Động); Dị Sử, Ngọc Lâm, Dương Quang, Nhân Hòa, Cẩm Xá, Xuân Dục, Phùng Chí Kiên, Phan Đình Phùng (Mỹ Hào); Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc (Văn Giang); Thiện Phiến, Nhật Tân, Hưng Đạo, Cương Chính (Tiên Lữ); Quang Hưng, Minh Hoàng (Phù Cừ); Chỉ Đạo (Văn Lâm); Dạ Trạch, Tân Dân, Đông Tảo (Khoái Châu).
    Từ ngày 01/02/2019 đến ngày 24/3/2019, toàn tỉnh đã tổ chức tiêu hủy 10.403 con lợn (774.806 kg) tại 392 hộ, 124 thôn, 60 xã của 10 huyện, thành phố: Trung Nghĩa, Hồng Nam, Hùng Cường, Phú Cường (TP. Hưng Yên); Yên Hòa, Đồng Than, Liêu Xá, Trung Hưng, Hoàn Long, Giai Phạm, Việt Cường, Tân Việt, Thường Kiệt, Yên Phú, Ngọc Long, Minh Châu, TT. Yên Mỹ, Trung Hòa, Tân Lập, Thanh Long (Yên Mỹ); Bãi Sậy, Hoàng Hoa Thám, Tân Phúc, Hồng Quang, Bắc Sơn, Vân Du, Phù Ủng, Quang Vinh (Ân Thi); Nghĩa Dân, Đức Hợp, Toàn Thắng, TT. Lương Bằng, Hùng An (Kim Động); Dị Sử, Cẩm Xá, Ngọc Lâm, Dương Quang, Nhân Hòa, Xuân Dục, Phan Đình Phùng, TT. Bần, Phùng Chí Kiên, Bạch Sam (Mỹ Hào); Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc (Văn Giang); Thiện Phiến, Nhật Tân, Cương Chính, Hưng Đạo (Tiên Lữ); Quang Hưng, Minh Hoàng (Phù Cừ); Chỉ Đạo, Lương Tài, Trưng Trắc, Lạc Đạo, Minh Hải (Văn Lâm); Dạ Trạch, Đông Tảo, Tân Dân, Đại Tập (Khoái Châu).
    Trong ngày 24/3/2019, trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi và tiến hành tiêu hủy theo quy định. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
    Kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch: Từ ngày 01/02/2019 đến ngày 23/3/2019, Chi cục Thú y đã lấy 836 mẫu huyết thanh, 08 mẫu bệnh phẩm của lợn ốm, chết gửi Trung tâm chẩn đoàn Thú y Trung ương để xét nghiệm. Kết quả có 442/836 mẫu huyết thanh, 08/08 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi. Cử cán bộ Trạm thú y phụ trách địa bàn phối hợp với các địa phương hàng ngày kiểm tra, nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn lợn và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo huyện, thành phố.
    Trên toàn tỉnh đã cấp phát hóa chất khử trùng tiêu độc để tổ chức thực hiện được: 31.188 lít hóa chất, 696 tấn vôi bột. Trong đó, tỉnh hỗ trợ: 23.116 lít; cấp huyện: 6.910 lít, 205 tấn vôi bột; cấp xã: 1.162 lít, 491 tấn vôi bột.
    Kết quả đã phun hóa chất khử trùng tiêu độc và rắc vôi bột đến nay được: 26.196 lít hóa chất khử trùng, 486 tấn vôi bột tương ứng với trên 13,6 triệu lượt m2 chuồng trại chăn nuôi và môi trường (Trong đó: hóa chất khử trùng tiêu độc của tỉnh hỗ trợ phun được 10,2 triệu lượt m2; cấp huyện, xã hỗ trợ và người chăn nuôi tự thực hiện được trên 3,4 triệu lượt m2). Cụ thể: Hóa chất của tỉnh triển khai được 20.543 lít; hóa chất, vôi bột của huyện triển khai được 4.635 lít, 98 tấn; hóa chất, vôi bột của xã triển khai được 1.018 lít, 388 tấn.
    Ngoài ra, các địa phương đã hỗ trợ bình phun khử trùng, bảo hộ lao động... (huyện Văn Lâm, thành phố Hưng Yên).
    Thành lập chốt kiểm dịch: Cấp tỉnh thành lập được 10 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên các trục đường giao thông chính tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương và thành phố Hà Nội; cấp huyện, thành phố thành lập được 13 chốt, trong đó: TP. Hưng Yên: 01 chốt, Yên Mỹ: 7 chốt, Văn Giang: 03 chốt, Phù Cừ: 02 chốt; cấp xã thành lập được 286 chốt (TP. Hưng Yên: 15 chốt; Tiên Lữ: 35 chốt; Kim Động: 39 chốt; Ân Thi: 69 chốt; Yên Mỹ: 60 chốt; Khoái Châu: 13 chốt; Mỹ Hào: 14 chốt; Văn Giang: 3 chốt, Phù Cừ: 27 chốt, Văn Lâm: 11 chốt).
    2. Sản xuất công nghiệp
    Tháng Ba là tháng sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định, tiếp tục tập trung cao cho sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng, của thị trường và kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Ba tăng 10,93% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 5,55%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,85%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước nóng và hơi nước tăng 11,86%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 12,44%.
    Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm 2018 như: Thức ăn cho gia súc tăng 6,30%; thức ăn cho gia cầm tăng 19,29%; thùng, hộp bằng giấy bằng bìa cứng tăng 12,17%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 5,47%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 14,15%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 14,98%; mạch điện tử tích hợp tăng 20,77%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang tăng 12,49%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 11,81%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 14,05%.
    Quý I năm 2019, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,41% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) tăng 3,24%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,37%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,51%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,03%. Một số sản phẩm công nghiệp trong quý tăng so với cùng kỳ năm 2018 như: Thức ăn cho gia cầm tăng 23,71%; thùng, hộp bằng giấy bằng bìa cứng tăng 5,05%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 7,17%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 11,82%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 23,27%; sắt thép các loại tăng 5,38%; mạch điện tử tích hợp tăng 24,93%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi tăng 13,69%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 0,29%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 15,17%; điện thương phẩm tăng 8,51%... Bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền giảm 8,69%; thức ăn cho gia súc giảm 1,99%.
    3. Hoạt động đầu tư
    Thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn: Quý I năm 2019, vốn đầu tư phát triển ước đạt 7.271.012 triệu đồng, tăng 10,02% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư phát triển phân theo nguồn vốn như sau: Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước đạt 514.802 triệu đồng, tăng 11,63%; vốn trái phiếu Chính phủ 192.800 triệu đồng, giảm 14,73%; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước 161.160 triệu đồng, tăng 0,88%; vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực Nhà nước) 43.400 triệu đồng, giảm 2,50%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước 10.190 triệu đồng, giảm 4,87%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 3.863.880 triệu đồng, tăng 10,15%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.405.810 triệu đồng, tăng 13,77%; vốn huy động khác 78.970 triệu đồng, giảm 6,33%.
    Vốn đầu tư phát triển phân theo khu vực kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 254.743 triệu đồng, tăng 5,0%; công nghiệp và xây dựng 4.210.253 triệu đồng, tăng 11,77%; thương mại, dịch vụ 2.806.016 triệu đồng, tăng 7,94%.
    Thực hiện vốn đầu tư ngân sách địa phương tháng Ba ước đạt 160.580 triệu đồng, tăng 12,98% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 81.820 triệu đồng, tăng 14,20%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 46.820 triệu đồng, tăng 25,53%; vốn ngân sách cấp xã đạt 31.940 triệu đồng, giảm 3,75%.
    Quý I năm 2019, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 469.282 triệu đồng, tăng 12,28% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 234.194 triệu đồng, tăng 13,07%; vốn ngân sách cấp huyện 143.453 triệu đồng, tăng 24,09%; vốn ngân sách cấp xã 91.635 triệu đồng, giảm 3,77%.
    Hoạt động đầu tư nước ngoài: Tính đến 19/3/2019, toàn tỉnh có 429 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.441.781 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 7 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 84.594 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 157 dự án, vốn đăng ký là 2.937.604 nghìn USD, chiếm 66,14% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 128 dự án, vốn đăng ký 648.830 nghìn USD, chiếm 14,61% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 87 dự án, vốn đăng ký 456.326 nghìn USD, chiếm 10,27% tổng số vốn đăng ký.
    4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
    a. Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ

    Tháng Ba là tháng sau Tết Nguyên đán nên thị trường lưu thông hàng hóa trở lại hoạt động bình thường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng Ba ước đạt 2.812.346 triệu đồng, tăng 14,23% so với tháng cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.242.384 triệu đồng, tăng 12,73%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 155.820 triệu đồng, tăng 16,11%; doanh thu du lịch 542 triệu đồng, tăng 16,81%; doanh thu dịch vụ khác 413.600 triệu đồng, tăng 22,30%. Quý I năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính 8.502.929 triệu đồng, tăng 13,71% so với cùng kỳ năm 2018.
    Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm 2019 ước đạt 6.796.616 triệu đồng, chiếm 79,93% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 12,04% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 10,90%; hàng may mặc tăng 5,43%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 17,45%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 81,56%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,03%; ô tô các loại tăng 13,96%; phương tiện đi lại (trừ  ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 2,23%; xăng, dầu các loại tăng 23,69%; đá quý, kim loại quý tăng 30,13%...
    Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành quý I năm 2019 ước tính đạt 466.226 triệu đồng, chiếm 5,48% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 16.049 triệu đồng, giảm 0,08%; dịch vụ ăn uống 448.566 triệu đồng, tăng 14,75%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 1.612 triệu đồng, tăng 9,51%.
    Doanh thu dịch vụ khác quý I năm 2019 ước đạt 1.240.087 triệu đồng, chiếm 14,58% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 23,64% so với cùng kỳ năm 2018.
    b. Giá tiêu dùng, vàng, đô la Mỹ
    Chỉ số giá tiêu dùng
    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba giảm 0,52% so với tháng trước. Trong đó: Có 5/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, bao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,70%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,72%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,27%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,41%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,11%. Có 4/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, bao gồm: nhóm hàng may mặc, mũ, nón, giày dép tăng 0,35%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,29%; giao thông tăng 0,15%; bưu chính, viễn thông tăng 0,30%. Có 2/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục.
    So với tháng 12/2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng 0,25%. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,17%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 0,04%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,08%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%; dịch vụ giao thông giảm 1,90%; bưu chính, viễn thông giảm 0,03%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 0,17%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục ổn định so với tháng 12/2018.
    So với tháng cùng kỳ năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng Ba tăng 1,56%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,74%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,46%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,08%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,38%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,14%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,53%; dịch vụ giao thông giảm 1,75%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,42%; giáo dục tăng 1,80%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 0,22%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,16%.
    Bình quân chung quý I năm 2019, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,76% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 4,93%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,74%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 0,19%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,71%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,94%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,53%; dịch vụ giao thông giảm 2,25%; bưu chính, viễn thông giảm 0,62%; dịch vụ giáo dục tăng 1,80%; dịch vụ văn hóa,thể thao, giải trí tăng 1,45%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,28%.
    Một số yếu tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong ba tháng đầu năm như: ba tháng đầu năm là thời gian diễn ra các ngày Tết Nguyên đán và các lễ hội cổ truyền của dân tộc, vì vậy nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân cao hơn, kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa dịch vụ tăng lên; dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ giữa tháng Hai đã có ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá nhóm thực phẩm nói chung và giá thịt lợn nói riêng; giá điện tăng từ ngày 20/3/2019 theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành 1720,65 đồng/Kwh.
    Bên cạnh những  những yếu tố tác động tăng, cũng có các yếu tố tác động giảm đến chỉ số giá trong ba tháng đầu năm như: việc chính thức áp dụng giá một số loại dịch vụ y tế theo thông tư số 39/2018/TT-BYT-BTC ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính về việc quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ tháng 12 năm 2018 đã làm cho chỉ số nhóm y tế giảm đáng kể, trong đó: dịch vụ y tế giảm 0,7% so với cùng kỳ. Giá xăng dầu ba tháng đầu năm được điều công bố điều chỉnh 6 lần, trong đó có 4 lần mức giá giữ nguyên, 1 lần điều chỉnh giảm và 1 lần điều chỉnh tăng. Tuy nhiên mức giá bình quân so với cùng kỳ nhóm xăng dầu đang ở mức thấp, giảm 8,35% so với cùng kỳ năm trước.
    b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
    Chỉ số giá vàng tháng Ba giảm 0,51% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 3.680.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,03% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.268 đồng/USD.
    5. Hoạt động vận tải
    a. Hoạt động vận tải hành khách

    Vận tải hành khách tháng Ba ước đạt 1.235 nghìn lượt người vận chuyển và 74.595 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 9,57% về lượt người vận chuyển và tăng 10,84% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 58.072 triệu đồng, tăng 13,23%. Quý I năm 2019, vận tải hành khách ước đạt 3.772 nghìn lượt người vận chuyển và 232.456 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 11,29% về lượt người vận chuyển và tăng 11,66% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 177.124 triệu đồng, tăng 14,74%.
    b. Hoạt động vận tải hàng hoá
    Vận tải hàng hoá tháng Ba ước đạt 2.464 nghìn tấn vận chuyển và 88.043 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 9,25% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 9,09% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 202.003 triệu đồng, tăng 9,44%. Quý I năm 2019, vận tải hàng hoá ước đạt 7.429 nghìn tấn vận chuyển và 267.349 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 11,74% về tấn hàng hoá vận chuyển và tăng 11,04% về tấn hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018.
    6. Hoạt động tài chính, ngân hàng
    a. Thu ngân sách nhà nước

    Thu ngân sách tháng Ba ước đạt 922.162 triệu đồng, tăng 25,80% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu nội địa 651.662 triệu đồng, tăng 18,25%; thuế xuất nhập khẩu 270.500 triệu đồng, tăng 48,63%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ DNNN Trung ương 10.156 triệu đồng, giảm 37,05%; thu từ DNNN địa phương 2.677 triệu đồng, tăng 73,76%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 89.680 triệu đồng, tăng 2,19%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 245.206 triệu đồng, tăng 40,70%; thu lệ phí trước bạ 29.641 triệu đồng, tăng 35,01%; thu thuế thu nhập cá nhân 68.913 triệu đồng, tăng 8,80%; các khoản thu về nhà đất 162.895 triệu đồng, tăng 29,42%...
    Quý I năm 2019, thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.075.474 triệu đồng, tăng 22,99% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu nội địa 2.250.000 triệu đồng, tăng 22,70%; thuế xuất nhập khẩu 825.474 triệu đồng, tăng 24,47%. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ DNNN Trung ương 34.000 triệu đồng, tăng 4,60%; thu từ DNNN địa phương 14.000 triệu đồng, tăng 34,70%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 450.000 triệu đồng, tăng 23,20%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 755.000 triệu đồng, tăng 27,60%; thu lệ phí trước bạ 88.000 triệu đồng, tăng 30,61%; thuế thu nhập cá nhân 231.000 triệu đồng, tăng 17,71%; thu phí, lệ phí 26.000 triệu đồng, giảm 19,07%; các khoản thu về nhà đất 535.100 triệu đồng, tăng 29,74%; các khoản thu khác 42.900 triệu đồng, giảm 15,50%.
    b. Chi ngân sách nhà nước
    Tính từ ngày 01/01/2019 đến ngày 20/3/2019, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 2.425.320 triệu đồng, đạt 27,53% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 1.232.012 triệu đồng, đạt 49,06% kế hoạch; chi thường xuyên 1.193.308 triệu đồng, đạt 18,94% kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 91.585 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 473.029 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 57.955 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 19.913 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 119.993 triệu đồng; chi quản lý hành chính 285.214 triệu đồng; chi khác 135.677 triệu đồng.
    c. Hoạt động ngân hàng
    Ước tính đến 31/3/2019, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 76.699.381 triệu đồng, tăng 5,17% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 66.993.219 triệu đồng, tăng 4,51% và chiếm 87,35% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 56.938.136 triệu đồng, tăng 1,89% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 40.097.140 triệu đồng, tăng 2,73%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 16.840.996 triệu đồng, giảm 0,04%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 54.349.505 triệu đồng, tăng 1,56%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.588.631 triệu đồng, tăng 9,49%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.209.127 triệu đồng (chiếm 2,12% tổng dư nợ), tăng 1,46% so với thời điểm 31/12/2018.
    II. Một số hoạt động xã hội
    1. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội
    Đời sống dân cư

    Chiều 19/02/2019, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã họp báo về tình hình dịch tả lợn Châu Phi và thông báo đã phát hiện các ổ dịch tại hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Trong đó, tỉnh Hưng Yên phát hiện 2 ổ dịch tại thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa (TP Hưng Yên) và thôn Khoá Nhu 2, xã Yên Hoà (huyện Yên Mỹ). Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Đến ngày 24/3, dịch đã lây lan ra 45 xã của 10 huyện, thành phố, ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi.
    Trong 3 tháng đầu năm 2019, các chính sách mới về lao động, tiền lương được triển khai thực hiện và đem lại các hiệu ứng tích cực tác động trực tiếp đến đời sống của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh.
    Thực hiện Nghị Định 157/2018/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng từ 2.920.000 đến 4.180.000 đồng/ tháng từ ngày 01/01/2019 đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiếu cao hơn mức lương cũ từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, các chính sách khác của Chính phủ vẫn tiếp tục được thực hiện như: Từ ngày 01/07/2018, thực hiện Nghị định số 72/2018/ NĐ-CP về việc thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng (tăng 6,92%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Thực hiện Nghị định 88/2018/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó sẽ điều chỉnh tăng 6,92% mức lương hưu từ ngày 1/7/2018 cho 8 nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu sẽ được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng. Các chính sách về tiền lương được thực hiện tốt là tiền đề trong việc ổn định thu nhập, cải thiện đời sống cán bộ, công chức và người lao động trên địa bàn tỉnh.
    An sinh xã hội
    Quý I năm 2019, ngành chức năng tiếp nhận hồ sơ và giải quyết kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công và các đối tượng xã hội. Phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ AIA Việt Nam tổ chức Chương trình Hành trình cuộc sống, tặng 95 xe đạp và 05 gói bảo hiểm (20 triệu đồng/gói) cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức truyền thông về phòng chống tệ nạn xã hội tại cộng đồng.
    Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Chủ tịch nước và Tỉnh ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ tỉnh đã thăm, tặng quà cho các đối tượng là người có công với cách mạng, gia đình chính sách và hỗ trợ đối tượng xã hội. Cụ thể:
    Tặng 35.319 suất quà của Chủ tịch nước với kinh phí là 7.246,4 triệu đồng cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Tặng 35.316 suất quà của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ VN tỉnh tới người có công, thân nhân người có công, gia đình quân nhân làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1 với mức quà 500.000đ/suất (gồm 300.000đ tiền mặt và 01 túi quà); tặng quà 05 Trung tâm điều dưỡng Người có công trong và ngoài tỉnh, mức quà 3.000.000 đồng/đơn vị và thương bệnh binh đang được chăm sóc tại các Trung tâm; lãnh đạo tỉnh trực tiếp thăm và tặng quà đại diện 23 gia đình người có công trên địa bàn tỉnh, mức quà 1.500.000 đồng/suất (gồm 1.000.000 đồng tiền mặt và 01 suất quà). Tổng số tiền là 17.707,5 triệu đồng.
    Tổ chức trao tặng Thiếp, quà chúc thọ của Chủ tịch nước cho người cao tuổi tròn 100 tuổi, Thiếp, quà chúc thọ của Chủ tịch UBND tỉnh cho người cao tuổi tròn 90 tuổi; thăm, tặng quà cho 25.344 người cao tuổi ở các độ tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 91, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99, 100 và trên 100 tuổi, tổng số tiền là 8.919,55 triệu đồng.
    Hỗ trợ 9.953 hộ nghèo ăn Tết, với mức 300.000đ/hộ (trong đó 250.000 đồng trích từ ngân sách tỉnh và 50.000 trích từ Quỹ Vì người nghèo). Tổng số tiền là 2.985,9 triệu đồng.
    Hỗ trợ 757 đối tượng nuôi dưỡng tập trung tại 05 Cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, với mức 200.000đ/người. Tổng số tiền là 151,4 triệu đồng.
    Toàn tỉnh thăm, tặng quà, trợ giúp (bằng tiền và hiện vật) cho 4.902 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo với số tiền trên 1,47 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp (trong đó nguồn ngân sách tỉnh là 194 triệu đồng).
    Ngoài nguồn ngân sách trung ương và tỉnh như đã nêu trên, các địa phương đã trích ngân sách, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng quà cho hộ nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi.
    2. Lao động việc làm
    Tính từ đầu năm đến ngày 15/3/2019, tỉnh đã chấp thuận cho 97 lượt doanh nghiệp, nhà thầu trên địa bàn đăng ký tuyển và sử dụng 262 vị trí lao động là người nước ngoài; cấp giấy phép cho 173 lao động là người nước ngoài làm việc tại tỉnh; xác nhận cho 07 lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Tư vấn cho gần 5 nghìn người về việc làm, chính sách lao động, học nghề, xuất khẩu lao động; tổ chức 06 phiên giao dịch việc làm; ban hành quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho 1.208 lao động.
    Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 5,3 nghìn lao động, trong đó xuất khẩu lao động cho 830 người sang các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...
    3. Hoạt động văn hóa, thể thao
    a. Hoạt động văn hoá

    Quý I năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội, vui chơi mừng năm mới, các lễ kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, địa phương, kỷ niệm 89 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 88 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên CSHCM, Quốc tế phụ nữ 8/3 thiết thực, tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc.
    Chào năm mới Xuân Kỷ Hợi 2019, đêm giao thừa tỉnh Hưng Yên đã tổ chức 7 điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại 6 huyện, thành phố là Thành phố Hưng Yên, các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Kim Động, Phù Cừ. Trong đó, huyện Văn Lâm có 2 điểm bắn pháo hoa. Nguồn kinh phí bắn pháo hoa là nguồn xã hội hóa, ủng hộ từ các cá nhân, doanh nghiệp ở các địa phương. Cùng với hoạt động bắn pháo hoa đêm giao thừa, tại các huyện, thành phố đều diễn ra các buổi biểu diễn nghệ thuật chào mừng năm mới. Đây là hoạt động được tổ chức hằng năm nhằm tạo không khí vui tươi mừng Đảng, mừng Xuân và khơi dậy, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước trong nhân dân.
    Trong dịp Tết Nguyên đán, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội đầu xuân thu hút đông đảo người dân tham gia như: hội vật đầu xuân làng Nội Lăng, xã Thủ Sỹ; nghi thức rước nước đầu năm trong lễ hội đền Đức Thánh Cả ở Kim Động; lễ hội Đền Phù Ủng huyện Ân Thi; Triển lãm thư pháp, hát ca trù và cho chữ đầu xuân tại Văn miếu Xích Đằng;…
    Sáng ngày 06/3/2019, tại Bảo tàng tỉnh (thành phố Hưng Yên) đã diễn ra khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Hưng Yên - sắc màu cuộc sống” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Minh Hải (công tác tại Hội VH-NT Hưng Yên). Triển lãm trưng bày 50 tác phẩm, mang đến những góc nhìn mới lạ, sinh động về con người, vùng đất Hưng Yên giàu truyền thống văn hiến và cách mạng - một vùng quê bình yên đang từng ngày đổi mới.
    Ngày 15/3/2019, tại đền Đa Hòa, xã Bình Minh (Khoái Châu) đã diễn ra khai mạc Lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử  - Tiên Dung. Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một trong 16 lễ hội lớn của cả nước. Lễ hội năm nay được tổ chức theo quy mô hàng tổng (3 năm một lần) với sự tham gia của 9 làng trong Tổng Mễ xưa, nay là 9 thôn thuộc 2 xã Bình Minh (Khoái Châu) và Mễ Sở (Văn Giang). Ngoài phần lễ, trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ, thể thao như: Cờ tướng, bơi chải, hát ca trù, hát chèo, múa rồng… Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 15/3 - 17/3 (tức từ ngày 10 đến 12 tháng 2 âm lịch).
    b. Hoạt động Thể dục thể thao      
    Trong quý I năm 2019, ngành văn hoá, thể thao đã xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện, tập huấn, tham dự thi đấu các giải thể thao quốc gia năm 2019. Rà soát, đánh giá lực lượng vận động viên, tiến hành loại những vận động viên không còn khả năng phát triển, tuyển mới bổ sung để đào tạo, huấn luyện, thi đấu.
    Trong tháng Ba, tỉnh phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân. Tổ chức tập huấn, tham gia thi đấu các giải thể thao toàn quốc như: Giải vô địch Cử tạ thanh thiếu niên toàn quốc, giải Taekwondo học sinh ba miền và giải Bóng chuyền A1 toàn quốc vòng 1. Tổ chức thi đấu các giải thể thao quần chúng cấp tỉnh như: giải Điền kinh vô địch các nhóm tuổi, giải Bóng chuyền nam vô địch các câu lạc bộ tỉnh.
    Từ ngày 14/3 - 15/3/2019, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Ân Thi đã diễn ra giải Bóng chuyền hơi nam nhằm chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26/3, ngày thể thao Việt Nam 27/3; đồng thời tạo điều kiện cho các đội Bóng chuyền được giao lưu, học tập kinh nghiệm, thúc đẩy môn Bóng chuyền hơi trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Tham dự giải có 11 đội đến từ các xã, thị trấn trong huyện.
    4. Giáo dục, đào tạo
    a. Về quy mô mạng lưới

    Năm học 2018 - 2019, hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục các cấp, các bậc học được phân bố đều trên phạm vi toàn tỉnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân trong tỉnh. Đến giữa năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh hiện có:
    Giáo dục mầm non: Tổng số có 187 trường mầm non (giảm 1 trường so với thời điểm đầu năm học do sáp nhập) với 3.252 nhóm lớp, huy động 82.339 trẻ mầm non trong đó: 14.294 cháu nhà trẻ đến trường đạt tỷ lệ 34,2% và 68.045 cháu mẫu giáo đến trường đạt tỷ lệ 97,8%. Riêng đối với trẻ 5 tuổi, huy động 23.745 cháu mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 100%.
    Giáo dục tiểu học: Có 166 trường (giảm 4 trường so với năm học trước do sáp nhập), với 112.410 học sinh. Tỷ lệ huy động học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.
    Giáo dục trung học cơ sở: Có 169 trường, với 68.661 học sinh, so với năm học trước số trường giảm 2 trường. Huy động 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6.
    Giáo dục trung học phổ thông: Có 37 trường (công lập 26 trường, ngoài công lập 14 trường) và 3 trường liên cấp I, II, III, với 32.678  học sinh, Tỷ lệ huy động học sinh lớp 9 vào lớp 10 đạt 78,14% (trong đó: công lập 62,6%; ngoài công lập 15,54%).               
 Giáo dục thường xuyên: Hiện có 02 Trung tâm GDTX cấp tỉnh, 9 trung tâm GDTX cấp huyện. Ngoài ra có 161 trung tâm giáo dục học tập cộng đồng, 4 trường cao đẳng, trung cấp có dạy chương trình bổ túc văn hóa trung học phổ thông thu hút 5.150 học viên vào học.
    Giáo dục chuyên nghiệp: toàn tỉnh hiện có 6 trường đại học, 5 trường đại học đã hoạt động (1 trường chờ Bộ giáo dục cấp phép hoạt động), 1 trường cao đẳng sư phạm, 1 trường trung cấp có đào tạo chuyên ngành mầm non.
    b. Về cơ sở vật chất phục vụ dạy học
    Toàn tỉnh hiện có 9.422 phòng học (tăng 286 phòng so với năm học 2017-2018), trong đó phòng học kiên cố cao tầng là 8.384 phòng. Tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng Mầm non 77,58%, Tiểu học 92,47%, THCS 97,06%, THPT 94,99%, GDTX 85,55%; xây mới là 575 phòng.
    Trường đạt chuẩn quốc gia: Đến nay toàn tỉnh có 341 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, mầm non 81/187 trường, đạt tỷ lệ 43,33%; tiểu học 137/166 trường, đạt tỷ lệ 82,5%; THCS 101/169 trường, đạt tỷ lệ 59,76%; THPT 22/37 trường đạt tỷ lệ 59,45%.
    5. Hoạt động y tế
    Công tác giám sát dịch được thực hiện thường xuyên. Trong quý I năm 2019, trên địa bàn tỉnh không có dịch xảy ra. Bảo đảm chế độ trực dịch và báo cáo dịch theo đúng quy định. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm như: Tả, Viêm Não NBB, SD/SXH... không phát hiện trường hợp nào. Một số bệnh truyền nhiễm gây dịch khác xuất hiện lẻ tẻ tại các huyện. Phân phối vắc xin tiêm chủng mở rộng, vật tư theo kế hoạch cho y tế cơ sở triển khai tiêm chủng cho các cháu hàng tháng. Trong và sau tiêm chủng không có tai biến xảy ra. Số phụ nữ có thai được khám trên 3 lần trước khi đẻ đạt 98%, tỷ lệ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt 100%.
    Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân 2019. Giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân 2019.
    Sáng ngày 27/2/2019, Bộ Y tế phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam, sự kiện được kết nối trực tuyến với điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tại điểm cầu Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu thành phố Hưng Yên, lãnh đạo tỉnh chủ trì, cùng tham dự có đại diện các Sở, ban, ngành liên quan. Sau lễ phát động, tại quảng trường Nguyễn Văn Linh (thành phố Hưng Yên), lãnh đạo tỉnh Hưng Yên và đại biểu đã đi bộ diễu hành cổ động toàn dân tham gia hưởng ứng chương trình 10.000 bước đi mỗi ngày cho sức khỏe tốt hơn, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, tuyên truyền cho người dân quan tâm phát hiện sớm bệnh tật.
    6. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ     
    Trong quý I năm 2019 (tính từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/3/2019), trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 40 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 39 vụ, xử phạt 1.065,5 triệu đồng. Riêng trong tháng Ba, cơ quan chức năng đã phát hiện 15 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử phạt 15 vụ với số tiền 422,5 triệu đồng. Nguyên nhân vi phạm chủ yếu của các vụ việc là: vi phạm gây ô nhiễm môi trường, việc xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường của các Doanh nghiệp, vi phạm không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và khai thác cát bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
    Quý I năm 2019 (tính từ 16/12/2018 đến 15/3/2019), toàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy, không có vụ nổ, gây thiệt hại tài sản 340 triệu đồng. Riêng trong tháng Ba, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào.
    7. An toàn giao thông
    Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/02/2019 đến 15/3/2019, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 10 người, làm bị thương 7 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 1 vụ, giảm 8,33%; số người chết bằng với tháng trước; số người bị thương tăng 1 người, tăng 16,67%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông, làm chết 35 người, làm bị thương 25 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn tăng 4 vụ, tăng 10,81%; số người chết bằng với cùng kỳ năm trước; số người bị thương tăng 4 người, tăng 19,05%./.

Nguồn tin: Cục Thống kê Hưng Yên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây