Tình hình kinh tế - xã hội tháng Hai và hai tháng đầu năm 2022

Thứ bảy - 26/02/2022 19:47

1.1. Sản xuất nông nghiệp

Trong tháng qua, toàn tỉnh tập trung thu hoạch nhanh gọn cây rau màu vụ đông và đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, chăm sóc lúa xuân. Các địa phương trong tỉnh đã tập trung lấy nước đổ ải theo đúng kế hoạch, đồng thời lấy nước đến đâu tiến hành làm đất ngay đến đó, bảo đảm chất lượng đất cho gieo cấy lúa xuân.

a) Trồng trọt  

Sản xuất vụ đông: Tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông năm nay của tỉnh đạt 7.315 ha, đạt 110,0% kế hoạch; giảm 701 ha (giảm 8,75%) so với vụ đông năm 2021. Trong đó: ngô 1.390 ha, giảm 58 ha; khoai lang 142 ha, giảm 47 ha; đậu tương 211 ha, tương đương năm trước; lạc 54 ha, giảm 25 ha; rau các loại 4.997 ha, tăng 93 ha. Diện tích gieo trồng một số cây trồng giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá bán nông sản thấp, không ổn định, chi phí đầu vào tăng cao; nhiều địa phương, sản xuất vụ đông chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, gặp khó khăn trong tưới tiêu, bảo vệ sản xuất.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cơ bản kết thúc thu hoạch cây vụ đông, nhất là những diện tích ở chân ruộng 2 vụ lúa để nhường đất cho gieo cấy lúa vụ xuân, một bộ phận nhỏ diện tích còn lại chủ yếu là đất bãi ven sông Hồng, những diện tích này không sử dụng vào việc gieo cấy lúa. Sản xuất vụ đông năm nay, từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch thời tiết tương đối thuận lợi. Mặc dù có một số đợt rét đậm, mưa lớn nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Vì vậy, hầu hết các loại cây rau màu năm nay đều cho năng suất khá hơn năm trước.

Sản xuất vụ xuân: Vụ lúa xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 26.880 ha, trong đó phấn đấu gieo cấy hơn 18 nghìn ha lúa chất lượng cao (chiếm 70,49% diện tích gieo trồng) bằng các giống lúa như: Nếp thơm Hưng Yên, Đài Thơm 8, Hương Thơm 1,... và các giống lúa nếp khác. Cùng với đó, tăng cường mở rộng diện tích để gieo cấy các giống lúa lai, lúa năng suất cao chiếm khoảng 21-25% diện tích, tiếp tục thực hiện cánh đồng mẫu lớn tại một số địa phương.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ xuân, thời gian qua, các
cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo một số công việc
trọng tâm như: cung cấp đủ lượng thóc giống, kể cả giống dự phòng cho nông
dân trong tỉnh; theo chỉ đạo của Trung ương, lịch lấy nước đổ ải gieo cấy vụ
đông xuân năm nay tổng cộng là 18 ngày, gồm 3 đợt (đợt 1 từ 04/01-06/01;
đợt 2 từ 15/01- 22/01; đợt 3 từ 13/02-17/02), các địa phương đã tập trung huy động 100% trạm bơm, kể cả trạm bơm do xã quản lý, hoạt động phục vụ công việc đổ ải khi có nguồn nước, chủ động trữ nước trong các ao, hồ, sông trục, không tháo nước ra sông ngoài gây lãng phí, ảnh hưởng tới việc tưới dưỡng lúa sau gieo cấy; kiểm tra, giám sát công tác đặt bả, rải bả để diệt chuột theo đúng kỹ thuật.

Từ ngày 19/02-22/02/2022, các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng bởi khối không khí lạnh có cường độ mạnh, nhiệt độ xuống thấp 8-130C. Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại đến gieo, cấy lúa vụ xuân năm 2022, ngành chuyên môn khuyến cáo người nông dân che phủ 100% diện tích mạ đã gieo, bảo đảm đủ nước để giữ ấm cho mạ; tạm dừng gieo, cấy trong thời gian đang có rét đậm, rét hại đến khi thời tiết ấm, nhiệt độ trung bình ngày trên 150C mới được gieo, cấy trở lại; tuyệt đối không được bón bất kỳ một loại phân bón nào cho diện tích mạ và diện tích lúa trong thời gian rét đậm, rét hại; không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết rét đậm, rét hại. Đến ngày 25/02/2022, toàn tỉnh đã gieo, cấy lúa được 19.060 ha (gieo thẳng 7.380 ha; cấy 11.680 ha); gieo trồng rau màu vụ xuân được 3.667 ha.

Cây lâu năm: Tổng diện tích hiện có cây lâu năm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt 15.571 ha, chủ yếu cây ăn quả (chiếm 94,06%). Hiện nay, toàn tỉnh đang tập trung chăm sóc các loại cây ăn quả có múi đã thu hoạch, đồng thời khẩn trương thu hoạch các loại cây ăn quả còn lại. Dự tính sản lượng các loại cây ăn quả như: chuối, cam,.. giảm so với năm trước.

Ngay sau Tết, khoảng từ ngày mùng 10 tháng Giêng (tức ngày 10/02/2022) trở đi, các nhà vườn hoa, cây cảnh tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh bắt đầu tiến hành chăm sóc, phục hồi các loại hoa, cây cảnh như: quất, đào, trà, hoa hồng,... Đồng thời, các dịch vụ chăm sóc thuê cây cảnh có giá trị cho khách hàng cũng phát triển. 

Ngày 07/02/2022, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình đã dự lễ phát động Tết trồng cây xuân Nhâm Dần tại Hưng Yên. Năm 2022, tỉnh có kế hoạch trồng hơn 190 nghìn cây xanh, trong đó có 11 nghìn cây cây lấy gỗ và bóng mát, 180 nghìn cây ăn quả chuyển đổi theo quy hoạch của từng vùng.

b) Chăn nuôi

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động chăn nuôi thời gian qua là bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Các địa phương đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tích cực triển khai công tác kiểm dịch, kiểm tra công tác giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình nhằm phát hiện sớm những trường hợp gia cầm ốm, dịch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Chăn nuôi gia súc và gia cầm vẫn ổn định, quy mô và sản lượng đạt khá. Giá bán thịt lợn trên thị trường bình quân từ 56.000-60.000 đồng/kg tạo tâm lý cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất và tái đàn.

Thời điểm 01/02/2022, ước tính đàn trâu đạt 4.020 con, tăng 0,25%; đàn bò đạt 30.550 con, giảm 3,78%; đàn lợn 440.520 con, tăng 1,81%; đàn gia cầm 9.510 nghìn con, tăng 0,53% so với cùng thời điểm năm trước. Trong tháng, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 6.920 tấn, tăng 2,67% so với cùng kỳ; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 2.850 tấn, tăng 1,42%.

1.2. Thủy sản

Tình hình sản xuất thuỷ sản vẫn giữ được ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Các hộ nuôi trồng thủy sản tiếp tục từng bước đa dạng về cơ cấu giống nuôi trồng, với các giống cá cho năng suất hoặc có giá trị cao trên thị trường; trong tháng, nhiều hộ vừa bắt đầu vụ mới nên sản lượng nuôi trồng thủy không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước.  

2. Sản xuất công nghiệp

Dịch bệnh Covid-19 trong cả nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 có xu hướng tăng nhanh, trong đó có tỉnh Hưng Yên. Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 dài ngày, người lao động từ các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh quay trở lại doanh nghiệp làm việc, nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 rất cao, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp.

Để khắc phục ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tỉnh Hưng Yên tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng quy mô và phát triển sản xuất như: tiếp tục hỗ trợ cơ chế, chính sách, thủ tục đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép đầu tư nhanh chóng; xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp cơ bản được đồng bộ; tình hình tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người dân đạt tỷ lệ cao, ưu tiên tiêm mũi ba sớm cho người lao động trong các doanh nghiệp;...

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Hai giảm 9,25% do trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, người lao động được nghỉ Tết dài ngày. Trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 3,68%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,44%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,69%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 27,52%. Nhiều sản phẩm giảm so với tháng trước như: thức ăn cho gia súc giảm 19,12%; thức ăn cho gia cầm giảm 20,01%; quần áo các loại giảm 0,20%; giày, dép giảm 1,32%; dược phẩm khác chưa được phân vào đâu giảm 43,75%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 18,63%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ giảm 51,02%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 43,61%; sắt, thép các loại giảm 17,26%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi giảm 14,39%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37,5W giảm 17,27%; dây cách điện đơn dạng cuộn giảm 13,41%;... Có một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với tháng trước : mì, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 38,10%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 1,52%; sản phẩm bằng plastic tăng 7,16%; bộ phận của thiết bị điện khác chưa được phân vào đâu tăng 7,67%;...

So với tháng cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Hai tăng 7,17%, trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 3,41%; chế biến, chế tạo tăng 7,75%; sản xuất, phân phối điện tăng 16,15%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tháng Hai giảm 8,47%. Nhiều sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 35,78%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc tăng 18,18%; nước khoáng không có ga tăng 16,74%; quần áo các loại tăng 3,46%; giày, dép tăng 3,55%; bao bì bằng plastic tăng 32,32%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 53,18%; sắt thép các loại tăng 7,79%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 43,06%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5 W tăng 34,90%; bộ phận của thiết bị điện khác chưa được phân vào đâu tăng 24,88%;... Bên cạnh đó, các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là: thức ăn cho gia súc giảm 5,28%; thức ăn cho gia cầm giảm 23,90%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) giảm 12,84%; dược phẩm khác chưa phân vào đâu giảm 29,73%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ giảm 47,83%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 34,48%; phụ tùng khác của xe có động cơ giảm 17,89%;...

Tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) giảm 3,88%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,24%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,75%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,19%.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá thế nào về website ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây