Cục Thống kê Hưng Yên

http://www.thongkehungyen.gov.vn


Hưng Yên thế và lực

Sau 20 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên có thể tự hào về những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; nền kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện. Hưng Yên ngày nay với những khu đô thị, khu công nghiệp khang trang, hiện đại đang được xây dựng và hình thành; cùng với truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường và trí tuệ của người dân Hưng Yên đã trở thành tiền đề quan trọng, tạo thế và lực để Hưng Yên vững bước trên con đường hội nhập, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Sau 20 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên có thể tự hào về những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; nền kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện. Hưng Yên ngày nay với những khu đô thị, khu công nghiệp khang trang, hiện đại đang được xây dựng và hình thành; cùng với truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường và trí tuệ của người dân Hưng Yên đã trở thành tiền đề quan trọng, tạo thế và lực để Hưng Yên vững bước trên con đường hội nhập, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Hưng Yên là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ và trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh; phía tây bắc giáp Thủ đô Hà Nội; phía Đông và Đông bắc giáp tỉnh Hải Dương; phía Tây giáp Hà Nội và Hà Nam có sông Hồng làm giới hạn; phía Nam giáp tỉnh Thái Bình có sông Luộc làm giới hạn. Hưng Yên là vùng đất phù sa của đồng bằng Bắc bộ, được kiến tạo, hình thành từ vạn năm về trước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, bằng lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, người Hưng Yên đã tạo nên một thương cảng, một đô thị sầm uất, sánh với Kinh thành Thăng Long "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến"; vào thế kỷ XVII, Phố Hiến trở thành chốn phồn hoa đô hội.

Phát huy truyền thống của quê hương văn hiến, cách mạng, trong công cuộc đổi mới đất nước, người Hưng Yên lại tiếp tục vươn lên. Kể từ khi tái lập tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu và tạo ra nhiều sự chuyển biến tích cực, toàn diện và sâu sắc; từ một tỉnh nghèo, thuần nông và độc canh cây lúa Hưng Yên đã nhanh chóng vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước, nền kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Tổng sản phẩm (GRDP) năm 2016 đạt 51.464 tỷ đồng, tăng gấp 19,94 lần so với năm 1997; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1997-2016 đạt 10,87%, đây là tốc độ tăng trưởng cao so với cả nước và các tỉnh trong khu vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của khu vực nông nghiệp. Sau 20 năm, tỷ trọng GRDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản dịch chuyển theo xu hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (năm 1997 chiếm 51,87%, năm 2016 còn 12,84%); tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng tăng từ 20,26% năm 1997 lên 51,15% năm 2016; tỷ trọng các ngành dịch vụ tăng từ 27,87% năm 1997 lên 36,01% năm 2016.

Những thành tựu đó đã trở thành tiền đề quan trọng, tạo thế và lực để Hưng Yên vững bước trên con đường hội nhập, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó phải kể đến các lợi thế sau:

Về giao thông vận tải

Hưng Yên là tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Ngoài tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua, Hưng Yên còn có hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông thuận lợi, đường thuỷ có tuyến sông Hồng và sông Luộc; cầu Yên Lệnh nối liền Hà Nam với Hưng Yên; hệ thống đường bộ có quốc lộ 5, Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với 8 làn xe hiện đại bậc nhất Việt Nam, quốc lộ 39A, 39B; quốc lộ 38A, 38B, đường chạy theo đê sông Hồng nối Thành phố Hưng Yên - Văn Giang - Hà Nội, đường liên tỉnh Dân Tiến - cầu Thanh Trì - Hà Nội. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang xây dựng mới, tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc cầu rẽ Ninh Bình. Đây là những điều kiện thuận lợi góp phần tạo điều kiện trong việc đi lại giữa các tỉnh, vận chuyển, lưu thông hàng hoá, giao thoa phát triển kinh tế trong vùng, tạo được nền tảng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Về phát triển nông nghiệp

Hưng Yên có điều kiện khí hậu thuận lợi, đất đai phì nhiêu; có diện tích đất nông nghiệp là 60.524,95 ha, trong đó đất cây hàng năm là 41.330,19 ha (chiếm 68,29%), cây lâu năm 12.641,38 ha (chiếm 20,89%), mặt nước nuôi trồng thuỷ sản 5.067,75 ha. Với lợi thế thuận lợi về khí hậu và đất đai phì nhiêu, nên đất nông của tỉnh còn nhiều tiềm năng để khai thác theo hướng  trồng nhiều cây có giá trị kinh tế cao như: nhãn, vải, chuối, cam, quất, cây cảnh, cây dược liệu.…

Trong số sản phẩm của nông nghiệp không thể không nói đến nhãn lồng; không chỉ nhiều về diện tích, lớn về số lượng, nhãn lồng Hưng Yên còn đứng đầu cả nước về chất lượng; từ lâu nhãn lồng đã được biết đến như một sản vật nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên. Hơn thế, nó đã trở thành một "thương hiệu" độc quyền mang nét đặc trưng, là hơi thở và niềm tự hào của đất và người Hưng Yên; cây nhãn không chỉ giúp người dân xoá đói giảm nghèo, mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn khẳng định được tên tuổi và thương hiệu của mình trong danh sách những đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Cây nhãn được trồng nhiều ở thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, huyện Khoái Châu và huyện Phù Cừ. Năm 1997 diện tích trồng nhãn, vải là 1.367 ha; năm 2016 là 3.554 ha. Sản lượng nhãn năm 1997 đạt 13.985 tấn, năm 2016 đạt đạt 36.168 tấn.

Chăn nuôi đã có sự phát triển vượt bậc cả về chất lượng và số lượng; quy mô và hình thức chăn nuôi. Rõ nét nhất phải kể đến các chương trình "nạc hoá" đàn lợn đã đạt trên 80%, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, Hưng Yên có vị trí địa lý thuận lợi là gần các thị trường lớn, tiêu thụ sản phẩm từ nông nghiệp như Hà Nội; gần các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển tạo điều kiện tốt để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hoá phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Về phát triển công nghiệp

Vì có điều kiện địa lý thuận lợi, nằm trong khu vực trọng điểm tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nên Hưng Yên có nhiều ưu thế để phát triển kinh tế công nghiệp. Hưng Yên là một trong những tỉnh có ngành công nghiệp phát triển nhanh miền Bắc, tốc độ phát triển trung bình giai đoạn 2011-2016 đạt 108,71%. Trong đó, các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao và sử dụng nhiều lao động cũng có sự dịch chuyển tích cực; với ngành công nghiệp có sử dụng chất xám cao, năm 2012 đóng góp 31,54% giá trị sản xuất và đến năm 2016 đóng góp là 40,26%; với ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động giải quyết việc làm cho người lao động thì năm 2012 đóng góp 26,57% giá trị sản xuất, đến năm 2016 con số này là 30,66%.

Từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện đường lối mở cửa và hội nhập quốc tế, tỉnh Hưng Yên đã thu được những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung, trong thu hút đầu tư vào khu công nghiệp nói riêng. Tỉnh đã nhất quán thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, xây dựng chiến lược, tích cực chủ động cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, lao động để thu hút các dự án nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nhất là các dự án đầu tư vào khu công nghiệp.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 10 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 2.291,5 ha đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KCN cả nước đến năm 2020. Trong đó, có 05 KCN có diện tích trên 200 ha. Đến hết tháng 12/2016 tổng số dự án đầu tư vào trong KCN còn hiệu lực là 170 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 139 dự án có vốn đầu tư trong nước (với tổng số vốn đầu tư đăng ký 2.924 triệu đô la Mỹ và 19.194 tỷ đồng). Các dự án đầu tư vào các KCN hầu hết đều triển khai nhanh, đảm bảo tiến độ đăng ký, đến nay đã có 230 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm trên 74,4% số dự án đăng ký đầu tư vào trong các KCN, tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đã đi vào hoạt động đạt gần 52.300 tỷ đồng, đạt 81,27%. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đóng góp 37,22% GRDP trong toàn tỉnh và giải quyết được trên 44.000 lao động chiếm 27,34% tổng số lao động trong khu vực doanh nghiệp.

Bên cạnh phát triển các khu công nghiệp tập trung, Hưng Yên cũng phát triển nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp, như: Làng nghề làm Tương Bần, Làng nghề đúc đồng, Làng nghề làm cày bừa, Làng nghề làm hương xạ, Làng nghề gốm sứ, kim hoàn, mây tre đan xuất khẩu, chế biến nông sản... tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận không nhỏ người lao động, góp phần quan trọng nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế ở địa phương

Tiềm năng du lịch, dịch vụ

Hưng Yên cách thủ đô Hà Nội không xa, có khả năng liên kết với tuyến du lịch từ Hà Nội qua Hưng Yên, Hải Dương đi Hải Phòng, Quảng Ninh .… Đây là một lợi thế quan trọng, nếu triển khai tốt và có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh lân cận sẽ tạo nên những tuyến du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển nhanh các ngành du lịch, dịch vụ cũng như tạo việc làm cho lao động trong tỉnh.

Hưng Yên là khu vực tập trung nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Toàn tỉnh hiện có trên 800 di tích lịch sử và văn hoá, trong đó có 147 di tích lịch sử được xếp hạng cùng hàng nghìn tài liệu và hiện vật cổ có giá trị. Đặc biệt, quần thể di tích Phố Hiến, Đa Hoà - Dạ Trạch, khu tưởng niệm lương y Hải Thượng Lãn Ông… là di tích lịch sử văn hoá rất có giá trị cho phát triển du lịch. Hưng Yên là tỉnh đứng thứ 2 cả nước có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: Văn miếu Xích Đằng, một trong 6 văn miếu còn tồn tại trong cả nước, cụm di tích phố Hiến, cụm di tích Đa Hoà - Dạ Trạch, cụm di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác…. Bên cạnh đó, Hưng Yên còn có nhiều lễ hội truyền thống phản ánh khá rõ nét con người, truyền thống và phong tục của nền văn minh lúa nước.

Hiện nay, toàn tỉnh đang nỗ lực xây dựng các khu Tổ hợp Đô thị - Thương mại - Dịch vụ; Trong đó, phải kể đến khu đô thị Ecopark với diện tích 500 ha, khu đại học Phố Hiến với diện tích 1000 ha và khu đô thị Mỹ Hào. Việc hoàn thành các khu Tổ hợp Đô thị - Thương mại - Dịch vụ này sẽ đưa tỉnh Hưng Yên trở thành trung tâm kinh tế, sôi động bậc nhất trong khu vực.

Trong thời gian tới, để xây dựng Hưng Yên ngày một khang trang, hiện đại và sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Hưng Yên sẽ phải tiếp tục khơi dậy tiềm năng, khai thác thế mạnh, phát huy tối đa nội lực; đồng thời thực hiện tốt chủ trương theo tinh thần Nghị quyết số 10 - NQ/TW ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

                                                           

Tác giả bài viết: Lê Quý Tuyên - Phó cục trưởng Cục Thống kê Hưng Yên & Nguyễn Văn Định - Trưởng phòng Thanh tra Thống kê

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây