Cục Thống kê Hưng Yên

http://www.thongkehungyen.gov.vn


Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 8 và 8 tháng năm 2019

Nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua của các địa phương là tập trung chăm sóc lúa, rau màu vụ mùa và phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm.

     1. Nông nghiệp và thủy sản
     Nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua của các địa phương là tập trung chăm sóc lúa, rau màu vụ mùa và phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm.
     a) Nông nghiệp
     Trong thời gian vừa qua, nông dân các địa phương trong tỉnh đã tập trung chủ yếu vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với lúa, rau màu cũng như các loại cây ăn quả (cam, quýt, nhãn) đang trong giai đoạn phát triển và cho thu hoạch. Theo báo cáo tổng hợp từ các huyện, thị xã, diện tích gieo cấy lúa mùa năm nay khoảng 30.973 ha, bằng 93,85 % so với vụ mùa năm trước, trong đó gieo thẳng 4.970 ha. Theo báo cáo tiến độ sản xuất nông nghiệp, tại thời điểm này, trên đồng ruộng đang xuất hiện một số loại sâu bệnh hại lúa như: Bệnh khô vằn với diện tích nhiễm khoảng 1.569 ha (nhiễm nặng 22 ha), diện tích phòng trừ 1.338 ha; bệnh bạc lá với diện tích nhiễm 203 ha (nhiễm nặng 203 ha), diện tích phòng trừ 189 ha; sâu cuốn lá nhỏ với diện tích nhiễm 1.743 ha (nhiễm nặng 25 ha), diện tích phòng trừ 1.484 ha.
Bên cạnh việc chăm sóc lúa và rau màu, nông dân các địa phương cũng đã chú trọng đến chăm sóc và thu hoạch các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây nhãn- cây đặc sản của địa phương đang được nhiều nhà vườn thu hoạch. Nhìn chung thời tiết năm nay không thuận lợi cho quá trình ra hoa và đậu quả, dự báo sản lượng nhãn thấp hơn năm trước.
     b) Chăn nuôi
     Kết quả công tác khử trùng, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh: Từ ngày 01/02/2019, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi, diễn biến dịch phức tạp, trên diện rộng nên công tác phòng trừ dịch được triển khai quyết liệt tại các địa phương trong tỉnh.
      Tính đến ngày 16/8/2019, toàn tỉnh đã cấp phát hóa chất khử trùng tiêu độc, vôi bột và hỗ trợ tiền công phun hóa chất khử trùng tiêu độc được: 66.705 lít hóa chất, 1.418 tấn vôi bột và 462,5 triệu đồng tiền công phun. Trong đó, tỉnh hỗ trợ: 51.636 lít; cấp huyện: 7.516 lít, 288 tấn vôi bột và 462,5 triệu đồng tiền công phun; cấp xã: 2.303 lít, 884 tấn vôi bột; người chăn nuôi: 5.250 lít, 246 tấn. Kết quả đã phun hóa chất khử trùng tiêu độc và rắc vôi bột được: 66.205 lít hóa chất khử trùng, 1.418 tấn vôi bột tương ứng với trên 35,0 triệu lượt m2 chuồng trại chăn nuôi và môi trường (trong đó: hóa chất khử trùng tiêu độc của tỉnh hỗ trợ phun được 25,8 triệu lượt m2; cấp huyện, xã hỗ trợ và người chăn nuôi tự thực hiện được trên 9,2 triệu lượt m2), cụ thể như sau: Hóa chất của tỉnh triển khai được: 51.636 lít; hóa chất, vôi bột của huyện triển khai được: 7.016 lít, 288 tấn; hóa chất, vôi bột của xã triển khai được 2.303 lít và 884 tấn; hóa chất, vôi bột của người chăn nuôi triển khai được: 5.250 lít, 246 tấn.
     Bên cạnh việc cấp phát các hóa chất khử trùng tiêu độc, vôi bột, tỉnh Hưng Yên còn thành lập chốt kiểm dịch. Đối với cấp tỉnh, hiện nay duy trì 01 chốt kiểm dịch động vật liên ngành. Đối với cấp xã, hiện nay duy trì 14 chốt, bao gồm: Tiên Lữ 06 chốt, Yên Mỹ 08 chốt.
     Từ ngày 01/2/2019 phát hiện dịch đến ngày 16/8/2019, các địa phương tổ chức tiêu hủy 188.642 con lợn (10.753.511 kg) tại 14.513 hộ, 775 thôn, 156 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố.
     Diễn biến tình hình dịch: Đã có 151 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố công bố dịch gồm: TP. Hưng Yên (13/17 xã, phường); Yên Mỹ (17/17 xã, TT); Ân Thi (21/21 xã); Kim Động (16/17 xã, TT); Mỹ Hào (13/13 xã); Văn Giang (10/11 xã); Tiên Lữ (15/15 xã); Phù Cừ (14/14 xã); Văn Lâm (11/11 xã); Khoái Châu (21/25 xã).
     Tính đến hết ngày 16/8/2019: Có 87 xã, phường của 10 huyện, thành phố, thị xã đã công bố hết dịch gồm: TP. Hưng Yên (04/13 xã, phường): An Tảo, Phương Chiểu, Lam Sơn, Bảo Khê; Ân Thi (19/21 xã, TT): Quang Vinh, Bắc Sơn, Xuân Trúc, Phù Ủng, Văn Nhuệ, Tân Phúc, Cẩm Ninh, TT. Ân Thi, Hoàng Hoa Thám, Vân Du, Quảng Lãng, Hạ Lễ, Đặng Lễ, Hồng Quang, Nguyễn Trãi, Tiền Phong, Đa Lộc, Hồng Vân, Bãi Sậy; Yên Mỹ (12/17 xã, TT): Giai Phạm, Nghĩa Hiệp, Liêu Xá, Việt Cường, Trung Hưng, Tân Việt, Trung Hòa, Ngọc Long, Tân Lập, TT. Yên Mỹ, Đồng Than, Hoàn Long; TX. Mỹ Hào (13/13 xã, phường); Kim Động (08/16 xã, TT): Đức Hợp, Toàn Thắng, Vĩnh Xá, Vũ Xá, Ngọc Thanh, Chính Nghĩa, Hùng An, Nhân La; Khoái Châu (09/21 xã, TT): Ông Đình, Dân Tiến, TT. Khoái Châu, Phùng Hưng, Nhuế Dương, Bình Kiều, Hàm Tử, Dạ Trạch, Đông Kết; Văn Lâm (07/11 xã, TT): Chỉ Đạo, Minh Hải, Việt Hưng, TT. Như Quỳnh, Lương Tài, Tân Quang, Lạc Đạo; Phù Cừ (10/14 xã, TT): Nhật Quang, Tiên Tiến, Tống Phan, Nguyên Hòa, Minh Tân, TT. Trần Cao, Đình Cao, Minh Tiến, Quang Hưng, Minh Hoàng; Tiên Lữ (03/15 xã): TT. Vương, Nhật Tân, Thiện Phiến; Văn Giang (02/10 xã): Liên Nghĩa, Nghĩa Trụ.
     Trong tuần (từ ngày 10-16/8/2019), tiếp tục phát hiện lợn ốm, chết, tiến hành tiêu hủy theo quy định: 407 con (16.448 kg) tại 20 hộ, 15 xã, của 06 huyện, thành phố và bổ sung số liệu tiêu hủy tổng hợp còn thiếu ở các địa phương: 2.368 con (103.254 kg) tại 11 xã, 05 huyện, cụ thể như sau: TP. Hưng Yên tiêu hủy 16 con (273 kg) ở 01 hộ, 01 xã; huyện Yên Mỹ tiêu hủy 09 con (250 kg) ở 01 hộ, 01 xã; huyện Kim Động tiêu hủy 50 con (2.756 kg) ở 04 hộ, 04 xã; huyện Văn Giang bổ sung số liệu tiêu hủy tổng hợp còn thiếu: 1.631 con (69.687 kg) tại 04 xã; huyện Tiên Lữ tiêu hủy 29 con (1.021 kg) ở 04 hộ, 04 xã và bổ sung số liệu tiêu hủy tổng hợp còn thiếu 89 con (3.696 kg) tại 01 xã; huyện Văn Lâm bổ sung số liệu tiêu hủy tổng hợp còn thiếu 169 con (8.857 kg) tại 01 xã; huyện Phù Cừ tiêu hủy 37 con (1.788 kg) ở 04 hộ, 03 xã và bổ sung số liệu tiêu hủy tổng hợp còn thiếu 479 con (20.924 kg) tại 04 xã; huyện Khoái Châu tiêu hủy 266 con (10.450 kg) ở 03 hộ, 03 xã.
     Nhận định tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có chiều hướng chững lại, số lượng lợn mắc bệnh ốm, chết phải tiêu hủy hàng ngày, ngày càng giảm dần.
     Qua tổng hợp kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 01/7 và phân tích tình hình sản xuất cho thấy: đàn trâu, bò trong toàn tỉnh giữ được mức độ phát triển ổn định; đàn lợn đạt 389.685 con, giảm 222.890 con (giảm 36,39%) so với cùng kì năm trước; đàn gia cầm phát triển mạnh, đầu con gia cầm đạt 9.036 nghìn con, tăng 648 nghìn con (tăng 7,72%), trong đó: đàn gà đạt 6.360 nghìn con, tăng 537 nghìn con (tăng 9,22%) so với cùng kỳ năm trước.
     2. Sản xuất công nghiệp
     So với tháng trước, Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Tám tăng 3,59%, trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 1,44%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,77%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,13%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,32%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với tháng trước như: thức ăn cho gia cầm tăng 5,21%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc tăng 6,91%; nước khoáng không có ga tăng 5,33%; quần áo các loại tăng 3,67%; dày dép tăng 26,46%; sơn và vecni tan trong môi trường nước tăng 2,83%; sắt thép các loại tăng 13,76%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang tăng 7,82%; thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1000 V chưa được phân vào đâu tăng 1,80%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 15,49%; máy giặt tăng 22,57%; điện thương phẩm tăng 0,13%;...  
     So với cùng kỳ năm 2018, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tám tăng 11,80%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 7,82%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,71%; sản xuất, phân phối điện, nước nóng và hơi nước tăng 9,86%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 17,51%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng tăng so với cùng kỳ năm 2018 như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 8,10%; thức ăn cho gia cầm tăng 12,83%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc tăng 12,52%; nước khoáng không có ga tăng 15,08%; quần áo các loại tăng 23,52%; dày dép các loại tăng 11,80%; thùng, hộp bằng giấy bằng bìa cứng tăng 8,03%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 12,83%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 31,13%; sắt thép các loại tăng 10,88%; mạch điện tử tích hợp tăng 12,19%; thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1000 V chưa được phân vào đâu tăng 20,74%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 22,47%.
     Tính chung tám tháng năm 2019, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,13% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) tăng 5,86%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,06%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,0%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,62%.
     Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2018 như: thức ăn cho gia cầm tăng 19,82%;  rượu Vodka và rượu Cô nhắc tăng 10,67%; nước khoáng không ga tăng 12,99%; quần áo các loại tăng 17,04%; cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ tăng 4,52%; thùng, hộp bằng bìa cứng tăng 10,98%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 11,38%; sản phẩm bằng plastic tăng 15,18%; sắt thép các loại tăng 7,08%; mạch điện tử tích hợp tăng 25,23%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37,5W tăng 12,83%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 5,40%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 15,79%. Bên cạnh đó do tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh phát triển và lây lan rộng nên nhu cầu tiêu thụ thức ăn gia súc bị giảm mạnh  làm cho chỉ số sản xuất sản phẩm thức ăn gia súc tám tháng đầu năm giảm 11,02% so với cùng kỳ năm trước.
3. Hoạt động đầu tư
     Vốn đầu tư ngân sách địa phương tháng Tám ước đạt 210.530 triệu đồng, tăng 14,34% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 89.690 triệu đồng, tăng 18,75%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 70.440 triệu đồng, tăng 32,35%; vốn ngân sách cấp xã đạt 50.400 triệu đồng, giảm 8,99%.
     Tính chung tám tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 1.468.539 triệu đồng, tăng 13,13% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 58,04% kế hoạch. Trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 693.880 triệu đồng, tăng 15,13% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 54,29% kế hoạch; vốn ngân sách cấp huyện 456.862 triệu đồng, tăng 25,02% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 60,52% kế hoạch; vốn ngân sách cấp xã 317.797 triệu đồng, giảm 3,68% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 63,88% kế hoạch năm
     Hoạt động đầu tư nước ngoài: Tính đến 19/8/2019, toàn tỉnh có 449 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.664.835 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 27 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 210.324 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 159 dự án, vốn đăng ký là 2.993.682 nghìn USD, chiếm 64,18% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 135 dự án, vốn đăng ký  665.633 nghìn USD, chiếm 14,27% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 93 dự án, vốn đăng ký 457.100 nghìn USD, chiếm 9,80% tổng số vốn đăng ký.
     4. Thương mại, dịch vụ
     Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước thực hiện đạt 3.154.600 triệu đồng, tăng 10,77% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể như sau:
     Bán lẻ hàng hóa: Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Tám ước đạt 2.306.114 triệu đồng, tăng 10,64% so với tháng cùng kỳ năm trước, trong đó các mặt hàng tăng như: may mặc tăng 24,02%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,07%; gỗ, vật liệu xây dựng tăng 25,71%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 581,14%; phương tiện đi lại trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 6,06%; xăng dầu các loại tăng 45,94%; đá quý, kim loại quý tăng 17,45%; hàng hóa khác tăng 24,29%.
     Dịch vụ lưu trú, ăn uống: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Tám ước đạt 155.068 triệu đồng, tăng 12,24% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: dịch vụ ăn uống 149.277 triệu đồng, tăng 12,78%; dịch vụ lưu trú 5.792 triệu đồng, giảm 0,03%.
     Dịch vụ du lịch, lữ hành: Doanh thu dịch vụ du lịch và lữ hành tháng Tám ước đạt 870 triệu đồng, tăng 40,32% so với cùng kỳ năm 2018.
     Các nhóm ngành dịch vụ khác:  Doanh thu ngành dịch vụ khác tháng Tám ước đạt 692.549 triệu đồng, tăng 10,83% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản 565.698 triệu đồng, tăng 10,55%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ 48.620 triệu đồng, tăng 8,77%; giáo dục và đào tạo 8.938 triệu đồng, tăng 12,18%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 18.164 triệu đồng, tăng 12,79%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí 7.819 triệu đồng, tăng 3,47%; sửa chữa máy vi tính, dồ dùng cá nhân và gia đình 12.223 triệu đồng, tăng 0,35%; dịch vụ khác 31.088 triệu đồng, tăng 7,51%.
     Tính chung tám tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 25.006.080 triệu đồng, tăng 11,82% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: bán lẻ hàng hóa 18.244.822 triệu đồng, tăng 11,96%; khách sạn, nhà hàng 1.246.001 triệu đồng, tăng 14,62%; du lịch 5.204 triệu đồng, tăng 14,63%; dịch vụ khác 5.510.053 triệu đồng, tăng 10,74%.
     5. Chỉ số giá
     a) Chỉ số giá tiêu dùng

     Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám tiếp tục tăng so với tháng trước, tăng  0,54%. Trong đó, có 8/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá tăng, bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,80%, nguyên nhân chủ yếu do giá thịt lợn tăng trong thời gian vừa qua (thịt lợn mông sấn tăng 6,25%; thịt lợn lạc thăn tăng 4,53%; thịt lợn ba chỉ tăng 5,29%; sườn lợn tăng 3,01%; giò lụa tăng 0,45%, giá mỡ lợn tăng 8,55%); đồ uống và thuốc là tăng 0,25%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,69%, đây là nhóm hàng có chỉ số tăng cao nhất trong tháng qua, nguyên nhân chủ yếu do giá dịch vụ y tế trong tháng điều chỉnh theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế; dịch vụ giao thông tăng 3,19%; dịch vụ giáo dục tăng 0,36%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,5%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%. Có 3/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá giảm nhẹ so với tháng trước, bao gồm: nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,07%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
     So với tháng 12/2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tám tăng 1,22%. Trong đó: hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 0,99%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,58%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,51%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,88%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,81%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,52%; dịch vụ giao thông tăng 3,19%; bưu chính, viễn thông giảm 0,27%; giáo dục tăng 0,36%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,44%. Riêng nhóm văn hóa, giải trí và du lịch ổn định so 6với tháng 12/2018.
     So với tháng cùng kỳ năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tám tăng 0,97%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,80%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 1,35%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,22%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,79%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,74%; dịch vụ giao thông giảm 0,58%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,67%; giáo dục tăng 2,17%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,28%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,47%.
     Bình quân chung tám tháng, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,21% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,17%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,96%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 0,92%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,27%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,49%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,32%; dịch vụ giao thông giảm 0,87%; bưu chính, viễn thông giảm 0,53%; dịch vụ giáo dục tăng 1,85%; dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,56%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,14%.
     b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
     
Chỉ số giá vàng tháng Tám tăng 4,90% so với tháng trước, tăng 16,64% so với tháng cùng kỳ năm trước, tăng 15,32% so với tháng 12 năm trước và ở mức giá bình quân 4.067.000 đồng/chỉ.
     Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,12% so với tháng trước, giảm 0,28% so với tháng cùng kỳ năm trước, giảm 0,37% so với tháng 12 năm trước và mức giá bình quân 23.287 đồng/USD.
     6. Hoạt động vận tải và bưu chính
     a) Hoạt động vận tải hành khách

     Vận tải hành khách tháng Tám ước đạt 1.450 nghìn lượt người vận chuyển và 81.644 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 14,97% về lượt người vận chuyển và tăng 16,50% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 63.238 triệu đồng, tăng 12,77%. Nguyên nhân khối lượng hành khách vận chuyển, luân chuyển và doanh thu vận tải hành khách tăng cao, do đây là tháng mà hầu hết các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường phổ thông và trung học đều bắt đầu năm học mới 2019-2020 vì vậy nhu cầu đi lại tăng cao.
     Tính chung tám tháng đầu năm 2019, vận tải hành khách ước đạt 10.554 nghìn lượt người vận chuyển và 631.226 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 12,55% về lượt người vận chuyển và tăng 13,16% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 487.242 triệu đồng, tăng 16,01%. Nguyên nhân chủ yếu trong thời gian gần đây số lượng doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia hoạt động vận tải hành khách tăng nhanh như: vận hành khách bằng taxi, vận tải hành khách đường dài với chất lượng phục vụ tốt nên giá cước của các loại xe này cũng cao hơn xe khách phổ thông. Giá cước vận tải hành khách cũng tăng lên đáng kể (trong tám tháng đầu năm 2019 giá vé xe khách tăng 3,17%; giá vé xe bus tăng 15,37%; giá xe taxi cũng tăng 0,97% so với cùng kỳ năm trước) khiến cho doanh thu vận tải hành khách tăng cao.
b) Hoạt động vận tải hàng hóa
     Vận tải hàng hoá tháng Tám ước đạt 3.003 nghìn tấn vận chuyển và 106.943 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 13,70% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 12,10% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 314.133 triệu đồng, tăng 9,38%.
     Tính chung tám tháng đầu năm 2019, vận tải hàng hóa ước đạt 21.601 nghìn tấn vận chuyển và 778.914 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 12,13% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 12,99% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 2.397.661 triệu đồng, tăng 12,97%. Cả ba chỉ tiêu doanh thu, khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển hàng hóa đường bộ đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do kinh tế trong tỉnh ngày càng phát triển nên nhu cầu vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân tăng cao. Đồng thời số lượng doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia hoạt động vận tải hàng hóa ngày càng tăng góp phần làm cho ba chỉ tiêu trên tăng cao.
     7. Hoạt động tài chính, ngân hàng
     a) Thu ngân sách nhà nước

     Thu ngân sách tháng Tám ước đạt 1.028.334 triệu đồng, tăng 10,82% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu nội địa 653.334 triệu đồng, tăng 7,15%; thuế xuất nhập khẩu 375.000 triệu đồng, tăng 17,87%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ DNNN trung ương 18.242 triệu đồng, giảm 19,64%; thu từ DNNN địa phương 2.676 triệu đồng, tăng 48,91%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 80.201 triệu đồng, giảm 3,50%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 232.529 triệu đồng, tăng 36,36%; thu lệ phí trước bạ 17.502 triệu đồng, giảm 15,10%; thu thuế thu nhập cá nhân 55.141 triệu đồng, tăng 18,00%; các khoản thu về nhà đất 180.720 triệu đồng, giảm 19,22%.
     Tính chung tám tháng đầu năm 2019, thu ngân sách nhà nước ước đạt 9.430.000 triệu đồng, tăng 27,80% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 73,30% kế hoạch năm. Trong đó: Thu nội địa 6.785.000 triệu đồng, tăng 27,24% và đạt 70,94% kế hoạch; thuế xuất nhập khẩu 2.645.000 triệu đồng, tăng 29,27% và đạt 80,15% kế hoạch. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ DNNN Trung ương 132.000 triệu đồng, tăng 16,70%; thu từ DNNN địa phương 25.500 triệu đồng, tăng 32,30%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.177.000 triệu đồng, tăng 8,00%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 2.145.000 triệu đồng, tăng 28,40%; thu lệ phí trước bạ 227.000 triệu đồng, tăng 23,60%; thuế thu nhập cá nhân 598.000 triệu đồng, tăng 18,00%; các khoản thu về nhà đất 2.037.000 triệu đồng, tăng 52,0%.
     b) Chi ngân sách nhà nước
     Chi ngân sách nhà nước tháng Tám ước đạt 863.100 triệu đồng, tăng 29,47% so với cùng kỳ năm 2018.Trong đó: Chi đầu tư phát triển 345.000 triệu đồng, tăng 58,01%; chi thường xuyên 518.100 triệu đồng, tăng 15,57%.
     Tính chung tám tháng đầu năm 2019, chi ngân sách nhà nước ước đạt 6.657.600 triệu đồng, tăng 21,35% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 75,56% kế hoạch. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 2.747.000 triệu đồng, tăng 47,27% và đạt 109,38% kế hoạch; chi thường xuyên 3.910.600 triệu đồng, tăng 8,0% và đạt 62,08% kế hoạch. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 368.900 triệu đồng, tăng 6,34%; chi giáo dục, đào tạo 1.402.200 triệu đồng, tăng 6,98%; chi sự nghiệp y tế 317.700 triệu đồng, giảm 13,02%; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 64.600 triệu đồng, giảm 16,02%; chi đảm bảo xã hội 391.200 triệu đồng, tăng 34,04%; chi quản lý hành chính 934.800 triệu đồng, tăng 8,20%; chi thường xuyên khác 406.000 triệu đồng, tăng 18,94%.
     c) Hoạt động ngân hàng
     Tính đến 31/7/2019, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 79.025.205 triệu đồng, tăng 8,36% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 70.406.455 triệu đồng, tăng 9,84% và chiếm 89,09% tổng nguồn vốn.
     Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 58.365.575 triệu đồng, tăng 4,45% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 40.775.117 triệu đồng, tăng 3,15%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 17.590.458 triệu đồng, tăng 7,59%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 56.081.978 triệu đồng, tăng 4,79%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.283.597 triệu đồng, giảm 3,42%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 916.979 triệu đồng (chiếm 1,57% tổng dư nợ), giảm 13,05% so với thời điểm 31/12/2018.
     8. Một số hoạt động văn hoá, xã hội
     a) Hoạt động văn hóa, thể thao
     Các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi nhân dịp chào mừng 74 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2019) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2019).
     Các vận động viên của tỉnh tham dự các giải thể thao thành tích cao toàn quốc, đã tham gia 04 giải quốc gia, đạt 25 huy chương các loại, trong đó 05 HCV, 07 HCB, 13 HCĐ. Bên cạnh thể thao thành tích cao, hoạt động thể thao quần chúng của tỉnh cũng diễn ra tại các địa phương, toàn tỉnh tổ chức các giải thể thao như: Giải bóng bàn các CLB thành phố Hưng Yên, giải Bóng đá nhi đồng năm 2019,…
     b) Tình hình thiệt hại do thiên tai
     Do ảnh hưởng của Bão số 3 (tên viết tắt là WIPHA), các khu vực trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa đến mưa to. Một số địa phương trong tỉnh có lượng mưa đo được rất lớn như: thành phố Hưng Yên (237mm), huyện Kim Động (268mm). Theo báo cáo sơ bộ, toàn tỉnh chỉ có một số ít diện tích hoa, rau màu và cây trồng hàng năm trên địa bàn huyện Kim Động bị ngập, giá trị thiệt hại không đáng kể. Tuy nhiên, mưa lớn đã gây ảnh hưởng đối với dự án đầu tư xây dựng công trình bãi rác tại Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, tổng giá trị thiệt hại đối với dự án khoảng 132 triệu đồng, trong đó trạm biến áp, một số thiệt bị điện, điện tử bị sét đánh cháy, hỏng.
     e) Tình hình cháy, nổ
     Từ ngày 16/7/2019 đến ngày 15/8/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy, thiệt hại khoảng 80 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số vụ cháy nổ 7 vụ, tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 2.170 triệu đồng.
     f) Tình hình vi phạm môi trường
     Từ ngày 16/7/2019 đến ngày 15/8/2019, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã phát hiện 11 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 vụ (8 tổ chức và 2 cá nhân), 1 vụ bàn giao cho cơ quan khác, tổng số tiền xử phạt khoảng 650 triệu đồng. Nguyên nhân vi phạm chủ yếu là xả nước thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép, ngoài ra có 1 vụ vi phạm buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm sử dụng của Việt Nam
     g) Tình hình An toàn giao thông
     Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/7/2019 đến 15/8/2019, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 7 người, làm bị thương 5 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 1 vụ, tăng 11,1%; số người chết giảm 3 người, giảm 30,0%; số người bị thương giảm 2 người, giảm 28,6%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 100 vụ tai nạn giao thông, làm chết 81 người, làm bị thương 56 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giảm 9 vụ, giảm 8,3%; số người chết tăng 3 người, tăng 3,8%; số người bị thương giảm 24 người, giảm 30,0%.

Tác giả bài viết: Cục Thông kê Hưng Yên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây