Cục Thống kê Hưng Yên

http://www.thongkehungyen.gov.vn


Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019

Trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp tháng qua trên địa bàn tỉnh là tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, rau màu vụ xuân và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
       1. Nông nghiệp và thủy sản
       Trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp tháng qua trên địa bàn tỉnh là tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, rau màu vụ xuân và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
       1.1. Nông nghiệp
       Trồng trọt
       Từ khi kết thúc gieo cấy đến nay, nhìn chung điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, trên đồng ruộng cũng xuất hiện các loại sâu, bệnh hại lúa ở những ruộng cấy dầy, bón phân không cân đối, bón thừa đạm như: bệnh đạo ôn (diện tích nhiễm 475 ha, diện tích phòng trừ 1.215 ha); khô vằn (diện tích nhiễm 850 ha, diện tích phòng trừ 586 ha); chuột hại 163 ha.
Bên cạnh việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và rau màu, các địa phương cũng đã chú trọng đến chăm sóc các loại cây ăn quả. Thời điểm này, các loại cây ăn quả như nhãn, vải, cam, quýt đang trong thời kỳ ra hoa, đậu quả non. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân các địa phương cần tiến hành bón thúc nuôi quả bằng các loại phân bón chuyên dùng, phun bổ sung phân bón qua lá có chứa các nguyên tố trung và vi lượng để tăng khả năng đậu quả và hạn chế rụng quả non, theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại (bọ xít, nhện, sương mai...).
       b. Chăn nuôi 
       Diễn biến tình hình dịch tả lợn Châu Phi: Từ ngày 01/02/2019 đến ngày 17/4/2019, toàn tỉnh đã tổ chức tiêu hủy 51.531 con lợn (tương đương 3.475 tấn) tại 4.080 hộ, 454 thôn, 121 xã của 10 huyện, thành phố.
       Đến nay, đã có 75 xã của 10 huyện, thành phố công bố dịch, bao gồm: TP Hưng Yên (03 xã): Trung Nghĩa, Phú Cường, Liên Phương; Yên Mỹ (16 xã, TT): Yên Hòa, Đồng Than, Hoàn Long, Liêu Xá, Việt Cường, Tân Việt, Lý Thường Kiệt, Yên Phú, Trung Hưng, Ngọc Long, Trung Hòa, thị trấn Yên Mỹ, Minh Châu, Tân Lập, Thanh Long, Nghĩa Hiệp; Ân Thi (10 xã): Bãi Sậy, Vân Du, Hồng Quang, Hoàng Hoa Thám, Tân Phúc, Bắc Sơn, Phù Ủng, Xuân Trúc, Văn Nhuệ, Hạ Lễ; Kim Động (05 xã, TT): Nghĩa Dân, Toàn Thắng, thị trấn Lương Bằng, Hiệp Cường, Chính Nghĩa; Mỹ Hào (12 xã): Dị Sử, Ngọc Lâm, Dương Quang, Nhân Hòa, Cẩm Xá, Xuân Dục, Phùng Chí Kiên, Phan Đình Phùng, Minh Đức, Bạch Sam, Hưng Long, Hòa Phong; Văn Giang (03 xã): Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc, Long Hưng; Tiên Lữ (11 xã): Thiện Phiến, Nhật Tân, Hưng Đạo, Cương Chính, Thụy Lôi, Hải Triều, Ngô Quyền, Dị Chế, thị trấn Vương, Thủ Sỹ, Đức Thắng; Phù Cừ (07 xã): Quang Hưng, Minh Hoàng, Nguyên Hòa, Tiên Tiến, Đình Cao, Nhật Quang, Minh Tân; Văn Lâm (03 xã): Chỉ Đạo, Lương Tài, Đình Dù; Khoái Châu (05 xã): Dạ Trạch, Tân Dân, Đông Tảo, Dân Tiến, Việt Hòa.
       Tính đến hết ngày 17/4/2019, có 01 xã  đã công bố hết dịch, đó là xã Đức Hợp, huyện Kim Động (công bố hết dịch ngày 29/3/2019); 02 xã có lợn bị tiêu hủy đã qua 30 ngày là xã Giai Phạm (Yên Mỹ) và xã Hồng Nam (TP Hưng Yên); 02 xã trên 20 ngày không phát sinh thêm ổ dịch là xã Đại Tập (Khoái Châu) và xã Hùng An (Kim Động).
Trong ngày 17/4/2019, tiếp tục phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi và tiến hành tiêu hủy theo quy định, trong đó: Huyện Yên Mỹ: tiêu hủy 762 con (54.527 kg) ở 74 hộ, 31 thôn, 11 xã (Thanh Long, TT Yên Mỹ, Liêu Xá, Tân Việt, Yên Phú, Nghĩa Hiệp, Trung Hưng, Trung Hòa, Lý Thường Kiệt, Hoàn Long); huyện Phù Cừ: tiêu hủy 471 con (30.559 kg) ở 47 hộ, 14 thôn, 13 xã (Tiên Tiến,  Minh Hoàng, Nhật Quang, Đình Cao, Minh Tiến, Minh Tân, Nguyên Hòa, Tam Đa, Tống Phan, Tống Trân, Trần Cao); huyện Khoái Châu: tiêu hủy 494 con (25.956 kg) ở 26 hộ, 14 thôn, 09 xã (Việt Hòa, Tân Dân, Dạ Trạch, Phùng Hưng, Đông Tảo, Dân Tiến, Hồng Tiến, Bình Minh, Ông Đình); huyện Kim Động (từ ngày 15-16/4/2019): tiêu hủy 716 con (57.455 kg) ở 96 hộ, 20 thôn, 10 xã (Nghĩa Dân, Vĩnh Xá, Vũ Xá, Chính Nghĩa, Phạm Ngũ Lão, TT Lương Bằng, Nhân La, Song Mai, Toàn Thắng, Hiệp Cường); huyện Tiên Lữ: tiêu hủy 414 con (20.855 kg) ở 34 hộ, 16 thôn, 11 xã (Cương Chính, Thụy Lôi, Thủ Sỹ, Dị Chế, Ngô Quyền, Đức Thắng, Hưng Đạo, TT Vương, An Viên, Thiện Phiến, Hải Triều); huyện Văn Lâm: tiêu hủy 575 con (26.900 kg) ở 94 hộ, 38 thôn, 10 xã (Trưng Trắc, Đình Dù, Việt Hưng, Lương Tài, Minh Hải, Đại Đồng, Lạc Hồng, Chỉ Đạo, Lạc Đạo, TT Như Quỳnh); TP Hưng Yên: tiêu hủy 96 con (5.407 kg) ở 05 hộ, 05 thôn, 03 xã (Liên Phương, An Tảo, Hoàng Hanh); huyện Văn Giang (15-16/4/2019): tiêu hủy 252 con (16.820,5 kg) ở 31 hộ, 14 thôn, 03 xã (Vĩnh Khúc, Nghĩa Trụ, Tân Tiến).
       Nhận định tình hình dịch: Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan ra diện rộng.
       Kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch: Từ ngày 01/02/2019 đến ngày 17/4/2019, Chi cục Thú y đã lấy 1.543 mẫu huyết thanh, 08 mẫu bệnh phẩm của lợn ốm, chết gửi Trung tâm chẩn đoàn Thú y Trung ương để xét nghiệm. Kết quả có 1.087/1.543 mẫu huyết thanh, 08/08 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi. Cử cán bộ Trạm thú y phụ trách địa bàn phối hợp với các địa phương hàng ngày kiểm tra, nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn lợn và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo huyện.
       Trên toàn tỉnh đã cấp phát hóa chất khử trùng tiêu độc để tổ chức thực hiện được: 46.318 lít hóa chất, 876 tấn vôi bột. Trong đó, tỉnh hỗ trợ: 35.786 lít; cấp huyện: 6.910 lít, 216 tấn vôi bột; cấp xã: 1.442 lít, 500 tấn vôi bột; người chăn nuôi: 2.180 lít, 160 tấn vôi bột.
       Kết quả, đã phun hóa chất khử trùng tiêu độc và rắc vôi bột đến nay được: 44.141 lít hóa chất khử trùng, 707 tấn vôi bột tương ứng với trên 22,8 triệu lượt m2 chuồng trại chăn nuôi và môi trường (Trong đó: hóa chất khử trùng tiêu độc của tỉnh hỗ trợ phun được 17,8 triệu lượt m2; cấp huyện, xã hỗ trợ và người chăn nuôi tự thực hiện được trên 5,0 triệu lượt m2), cụ thể: Hóa chất của tỉnh triển khai được: 35.786 lít; hóa chất, vôi bột của huyện triển khai được: 5.117 lít, 109 tấn; hóa chất, vôi bột của xã triển khai được: 1.058 lít; 438 tấn; hóa chất, vôi bột của người chăn nuôi triển khai được: 2.180 lít, 160 tấn. Ngoài ra, các địa phương đã hỗ trợ bình phun khử trùng, bảo hộ lao động… (huyện Văn Lâm, thành phố Hưng Yên).
       Thành lập chốt kiểm dịch: Cấp tỉnh thành lập được 10 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên các trục đường giao thông chính tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương và thành phố Hà Nội; cấp huyện, thành phố thành lập được 14 chốt (trong đó: Yên Mỹ 7 chốt, Văn Giang 5 chốt, Phù Cừ 2 chốt); cấp xã thành lập được 280 chốt (TP Hưng Yên 15 chốt, Tiên Lữ 37 chốt, Kim Động 33 chốt, Ân Thi 66 chốt, Yên Mỹ 60 chốt, Khoái Châu 13 chốt, Mỹ Hào 14 chốt, Văn Giang 4 chốt, Phù Cừ 27 chốt, Văn Lâm 11 chốt).
       2. Sản xuất công nghiệp
       a. Chỉ số sản xuất công nghiệp
       So với tháng trước, Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Tư tăng 5,84%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 1,99%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,88%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,13%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,94%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với tháng trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 9,85%; thức ăn cho gia cầm tăng 2,27%; nước khoáng không ga tăng 7,28%; quần áo các loại tăng 7,32%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 14,88%; sản phẩm bằng plastic tăng 10,19%; mạch điện tử tích hợp tăng 11,70%;  dây điện đơn dạng cuộn tăng 22,48%;.... Bên cạnh đó có một số sản phẩm giảm so với tháng trước như: thức ăn cho gia súc giảm 2,0%; thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện áp ≤ 1.000V chưa được phân vào đâu giảm 2,84%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang giảm 7,14%;...
       So với cùng kỳ năm 2018, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tư tăng 10,94%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 6,09%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,02%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước nóng và hơi nước tăng 6,80%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 13,73%. Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 4,15%; thức ăn cho gia súc tăng 8,92%; thức ăn cho gia cầm tăng 15,95%; thùng, hộp bằng giấy bằng bìa cứng tăng 24,52%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 10,07%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 15,78%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 11,84%; mạch điện tử tích hợp tăng 2,94%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang tăng 12,10%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 11,01%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 22,35%.
       Tính chung bốn tháng đầu năm 2019, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,54% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) tăng 3,91%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,57%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,24%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,07%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2018 như: thức ăn cho gia cầm tăng 23,91%;  nước khoáng không ga tăng 5,92%; quần áo các loại tăng 4,15%; cửa sổ và cửa ra vào bằng gỗ tăng 9,51%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 7,99%; sản phẩm bằng plastic tăng 12,53%; gạch xây bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm tăng 20,06%; sắt thép các loại tăng 5,04%; mạch điện tử tích hợp tăng 13,03%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37,5W tăng 14,29%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi tăng 13,30%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 13,92%; phụ tùng của xe có động cơ tăng 16,94%. Bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền giảm 0,49%; thức ăn cho gia súc giảm 1,74%.
       3. Hoạt động đầu tư
       Vốn đầu tư ngân sách địa phương tháng Tư ước đạt 171.300 triệu đồng, tăng 7,49% so với tháng trước và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 84.050 triệu đồng, tăng 7,43% so với tháng trước và tăng 11,02% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách cấp huyện đạt 45.990 triệu đồng, tăng 7,75% so với tháng trước và tăng 12,14% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách cấp xã đạt 41.260 triệu đồng, tăng 7,31% so với tháng trước và tăng 20,30% so với cùng kỳ năm trước.
       Tính chung bốn tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư ngân sách địa phương ước đạt 639.371 triệu đồng, tăng 12,37% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 25,27% kế hoạch. Trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 314.660 triệu đồng, tăng 11,25% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 24,62% kế hoạch; vốn ngân sách cấp huyện 185.305 triệu đồng, tăng 18,32% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 24,55% kế hoạch; vốn ngân sách cấp xã 139.406 triệu đồng, tăng 7,63% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 28,02% kế hoạch năm.
       Hoạt động đầu tư nước ngoài: Tính đến 22/4/2019, toàn tỉnh có 434 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.458.063 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 12 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 89.594 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Thứ nhất là Nhật Bản có 158 dự án, vốn đăng ký là 2.950.523 nghìn USD, chiếm 66,18% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 131 dự án, vốn đăng ký 651.063 nghìn USD, chiếm 14,60% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 89 dự án, vốn đăng ký 457.456 nghìn USD, chiếm 10,26% tổng số vốn đăng ký.
       4. Thương mại, dịch vụ
       Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng Tư ước thực hiện đạt 2.853.083 triệu đồng, tăng 0,90% so với tháng trước và tăng 14,10% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó:
       Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.267.491 triệu đồng, tăng 0,66% so với tháng trước và tăng 12,47% so với tháng cùng kỳ năm 2018, trong đó: nhóm ngành lương thực, thực phẩm tăng 0,41%; nhóm hàng may mặc tăng 0,96%; nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 0,67%; nhóm hàng vật liệu xây dựng tăng 0,86%; nhóm hàng ô tô và phương tiện đi lại tăng 0,98%; nhóm xăng, dầu tăng 0,50%.
       Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Tư ước đạt 158.422 triệu đồng, tăng 1,54 % so với tháng trước và tăng 15,88% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú 5.552 triệu đồng, tăng 1,50% so với tháng trước; dịch vụ ăn uống ước 152.870 triệu đồng, tăng 1,54% so với tháng trước.
       Doanh thu dịch vụ du lịch và lữ hành tháng Tư ước đạt 570 triệu đồng, tăng 5,36% so với tháng trước.
       Doanh thu ngành dịch vụ khác tháng Tư ước đạt 426.600 triệu đồng, tăng 1,98% so với tháng trước và tăng 22,86% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, so với tháng trước: Dịch vụ kinh doanh bất động sản 299.950 triệu đồng, tăng 2,16%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ 51.300 triệu đồng, tăng 1,58%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội xã hội 17.800 triệu đồng, tăng 0,85%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí 7.350 triệu đồng, tăng 2,37%; doanh thu dịch vụ khác 31.000 triệu đồng, tăng 2,14%.
       Tính chung bốn tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 11.371.166 triệu đồng, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: thương nghiệp 9.074.363 triệu đồng, tăng 12,27%; khách sạn, nhà hàng 623.236 triệu đồng, tăng 14,63%; doanh thu du lịch 2.181 triệu đồng, tăng 8,62%; doanh thu dịch vụ khác 1.671.387 triệu đồng, tăng 23,79%.
       5. Chỉ số giá
       a. Chỉ số giá tiêu dùng
       Trong tháng Tư, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ so với tháng trước, tăng 0,05%, Trong đó, có 6/11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó tăng cao nhất là dịch vụ giao thông tăng 3,83%. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 2/4/2019 và ngày 17/4/2019 với mức tăng khá cao đã tác động giá dịch vụ giao thông trong tháng. Còn các nhóm khác chỉ tăng nhẹ: đồ uống và thuốc lá tăng 0,45%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,04%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,63%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,59%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,48%. Có 2/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, bao gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,15%, trong đó giá thực phẩm tiếp tục giảm 1,75. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi trong thời gian vừa qua và đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng; văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,33%. Có 3/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá ổn định, bao gồm: Thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục.
       So với tháng 12/2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư năm nay tăng 0,30%, trong đó: nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 0,77%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,62%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,08%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,72%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,64%; dịch vụ giao thông tăng 1,86%; bưu chính, viễn thông giảm 0,03%; văn hóa, thể thao, giải trí giảm 0,16%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,47%. Riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục ổn định so với tháng 12/2018.
       So với tháng cùng kỳ năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư năm nay tăng 1,47%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,33%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,80%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 1,73%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,0%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,84%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,53%; dịch vụ giao thông tăng 0,70%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,42%; giáo dục tăng 1,80%; văn hóa, thể thao, giải trí giảm 0,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,46%.
       Bình quân chung bốn tháng đầu năm 2019, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,70% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,28%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,76%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 0,57%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,28%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,16%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,53%; dịch vụ giao thông giảm 1,52%; bưu chính, viễn thông giảm 0,57%; dịch vụ giáo dục tăng 1,80%; dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí tăng 1,07%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,08%.
       b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
       Chỉ số giá vàng tháng Tư giảm 0,71% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 3.654.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,12% so với tháng trước, mức giá bình quân 23.241 đồng/USD.
       6. Hoạt động vận tải
       a. Hoạt động vận tải hành khách
       Vận tải hành khách tháng Tư ước đạt 1.292 nghìn lượt người vận chuyển và 78.353 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 11,30% về lượt người vận chuyển và tăng 11,22% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 61.010 triệu đồng, tăng 16,29%.
       Tính chung bốn tháng đầu năm 2019, vận tải hành khách ước đạt 5.064 nghìn lượt người vận chuyển và 310.809 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 11,29% về lượt người vận chuyển và tăng 11,54% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 238.135 triệu đồng, tăng 15,14%.
       b. Hoạt động vận tải hàng hóa
       Vận tải hàng hoá tháng Tư ước đạt 2.688 nghìn tấn vận chuyển và 94.712 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 13,20% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 12,19% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 218.575 triệu đồng, tăng 16,50%.
       Tính chung bốn tháng đầu năm 2019, vận tải hàng hóa ước đạt 10.118 nghìn tấn vận chuyển và 362.061 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 12,13% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 11,34% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 839.653 triệu đồng, tăng 13,06%. Cả ba chỉ tiêu doanh thu, khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển hàng hóa đường bộ đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước do kinh tế trong tỉnh ngày càng phát triển nhu cầu vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ cho việc xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, các công trình công cộng và vận chuyển hàng hóa sản xuất phục vụ đời sống hàng ngày của người dân tăng cao. Đồng thời số lượng doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia hoạt động vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao với quy mô mở rộng hơn.
       7. Hoạt động tài chính, ngân hàng
       a. Thu ngân sách nhà nước
       Thu ngân sách tháng Tư ước đạt 1.186.154 triệu đồng, tăng 15,96% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu nội địa 869.154 triệu đồng, tăng 12,66%; thuế xuất nhập khẩu 317.000 triệu đồng, tăng 20,28%. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: Thu từ DNNN trung ương 18.588 triệu đồng, tăng 3,53%; thu từ DNNN địa phương 3.669 triệu đồng, tăng 17,46%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 198.637 triệu đồng, tăng 1,08%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 327.147 triệu đồng, tăng 20,83%; thu lệ phí trước bạ 30.686 triệu đồng, tăng 35,73%; thu thuế thu nhập cá nhân 95.042 triệu đồng, tăng 11,85%; các khoản thu về nhà đất 140.454 triệu đồng, tăng 16,22%.
     Tính chung bốn tháng đầu năm 2019, thu ngân sách nhà nước ước đạt 4.251.472 triệu đồng, tăng 15,96% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu nội địa 3.082.000 triệu đồng, tăng 12,66%; thuế xuất nhập khẩu 1.169.472 triệu đồng, tăng 20,28%. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ DNNN Trung ương 52.000 triệu đồng, tăng 3,53%; thu từ DNNN địa phương 16.000 triệu đồng, tăng 17,46%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 620.000 triệu đồng, tăng 1,08%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 1.037.000 triệu đồng, tăng 20,83%; thu lệ phí trước bạ 120.000 triệu đồng, tăng 35,73%; thuế thu nhập cá nhân 326.000 triệu đồng, tăng 11,85%; các khoản thu về nhà đất 708.500 triệu đồng, tăng 16,22%; các khoản thu khác 65.300 triệu đồng, giảm 13,67%.
       b. Chi ngân sách nhà nước
       Chi ngân sách nhà nước tháng Tư ước đạt 840.460 triệu đồng, tăng 23,04% so với cùng kỳ năm 2018.Trong đó: Chi đầu tư phát triển 250.000 triệu đồng, tăng 21,22%; chi thường xuyên 590.460 triệu đồng, tăng 23,83%.
       Tính chung bốn tháng đầu năm 2019, chi ngân sách nhà nước ước đạt 3.489.817 triệu đồng, tăng 28,63% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 1.564.613 triệu đồng, tăng 40,56%; chi thường xuyên 1.925.204 triệu đồng, tăng 20,33%. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 184.083 triệu đồng, tăng 70,88%; chi giáo dục, đào tạo 683.797 triệu đồng, tăng 9,60%; chi sự nghiệp y tế 134.832 triệu đồng, giảm 4,85%; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 32.875 triệu đồng, tăng 13,33%; chi đảm bảo xã hội 205.869 triệu đồng, tăng 77,42%; chi quản lý hành chính 444.829 triệu đồng, tăng 5,49%.
       c. Hoạt động ngân hàng
       Tính đến 31/3/2019, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 76.888.209 triệu đồng, tăng 5,43% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 67.671.757 triệu đồng, tăng 5,57% và chiếm 88,01% tổng nguồn vốn.
       Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 57.374.109 triệu đồng, tăng 2,67% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 40.390.611 triệu đồng, tăng 2,17%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 16.983.498 triệu đồng, tăng 3,87%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 54.625.393 triệu đồng, tăng 2,07%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.748.716 triệu đồng, tăng 16,26%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.248.153 triệu đồng (chiếm 2,18% tổng dư nợ), tăng 4,74% so với thời điểm 31/12/2018.
       8. Một số hoạt động xã hội
       a. Hoạt động văn hóa, thể thao
       Hoạt động văn hoá
       Toàn tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động tiến tới kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019) và 133 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2019)
       Tối 10/4 (tức mùng 6/3 âm lịch), tại khuôn viên Ban Quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (Hưng Yên), UBND thành phố Hưng Yên long trọng tổ chức Khai mạc Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2019.  Lễ hội năm nay diễn ra với nhiều hoạt động, trong đó, phần lễ có: lễ dâng hương; lễ khai mạc. Phần hội gồm: thi cầu kiều, kéo co, hát trên thuyền, chọi gà, cờ tướng… Bên cạnh đó là trưng bày cổ vật; trưng bày sinh vật cảnh cùng các gian hàng giới thiệu đặc sản và ẩm thực Phố Hiến. Cũng trong buổi khai mạc đã diễn ra các chương trình nghệ thuật đặc sắc của các diễn viên, nghệ sĩ tham gia biểu diễn. Những huyền thoại, điển tích về Phố Hiến xưa được thể hiện phong phú, hấp dẫn qua lời ca, tiếng nhạc, điệu múa mang đậm nét truyền thống đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách.
       Nằm trong khuôn khổ các lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến, tối 5/4, tại công viên Hồ Bán Nguyệt, thành phố Hưng Yên đã diễn ra lễ hội ánh sáng Hưng Yên với chương trình chiếu ánh sáng đèn led lung linh, nhiều sắc màu. Chương trình được diễn ra từ ngày 5/4 đến 20/4, bắt đầu từ 19h - 22h hàng ngày. Đợt trình chiếu này đã sử dụng tới hàng triệu bóng đèn led để tạo khung cảnh 3D huyền ảo cho một vùng không gian rộng lớn gần 5.000 m2, bao gồm các mô hình như: cánh đồng hoa tulip, cánh đồng hoa hồng, núi Phú Sỹ của Nhật Bản, tháp Eiffel của Pháp, đường hầm ánh sáng, mặt trăng khổng lồ…
       Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21/4; Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4, Thư viện tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Ngày hội sách năm 2019 với chủ đề: “Sách - tri thức kiến tạo tương lai” với nhiều hoạt động như: Treo panô, băngzôn, khẩu hiệu; tuyên truyền bằng xe lưu động trên địa bàn tỉnh; tham gia trưng bày, giới thiệu, xếp các mô hình sách nghệ thuật;... tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề và giao lưu với diễn giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương với chủ đề: “Đọc sách - sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai”; tặng sách cho các thư viện, tủ sách cơ sở, câu lạc bộ đọc sách, thư viện các trường học và bạn đọc thư viện; cấp thẻ miễn lệ phí cho bạn đọc từ ngày 13 đến 29 tháng 4 năm 2019.... Các hoạt động đã thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh, bạn đọc, nhân dân đến tham dự và hưởng ứng. 
       Hoạt động thể thao
       Sáng 27/3/2019, tại Nhà Thiếu nhi tỉnh đã diễn ra lễ khai mạc giải Bóng đá Hội khỏe Phù Đổng học sinh tiểu học Hưng Yên năm 2019. Giải có sự góp mặt của 12 đội bóng đại diện cho 10 phòng giáo dục và đào tạo huyện, thành phố và 2 trường nhiều cấp học là: trường Đoàn Thị Điểm Greenfield và trường Edison. Các đội bóng chia làm 4 bảng, thi đấu với thể thức vòng tròn tính điểm, sau đó chọn 2 đội xuất sắc nhất mỗi bảng vào thi đấu trận chung kết. Giải diễn ra trong 4 ngày, từ 27-30/3.
       Ngày 29/3/2019, tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF (Văn Giang), CLB bóng đá Phố Hiến tổ chức lễ xuất quân mùa giải 2019. Mùa giải 2019, CLB bóng đá Phố Hiến tham dự 2 giải đấu trong nước là Cúp quốc gia và Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia. Mục tiêu phấn đấu của CLB nằm trong top 5 tại Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia 2019.
       Từ ngày 28/3 đến 01/4/2019, Đoàn Cử tạ Hưng Yên đã tham dự Giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên toàn quốc năm 2019 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Kết quả, Đoàn Hưng Yên đã giành được 03 huy chương Đồng, trong đó 02 huy chương đồng của hạng cân 55kg nữ và 01 huy chương Đồng hạng cân 61 kg nam.
       Ngày 03/4/2019, Giải Bóng chuyền nam vô địch các câu lạc bộ tỉnh Hưng Yên năm 2019 đã được tổ chức tại Nhà tập luyện và thi đấu tỉnh. Tham dự giải có 5 đội, đến từ các huyện: Yên Mỹ, Ân Thi, Mỹ Hào và Văn Lâm (Văn Lâm có 2 đội). Các đội bốc thăm, thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt tính điểm để chọn ra các đội nhất, nhì, ba.
       b. Hoạt động y tế
       Ngày 12/4/2019, tại Hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP năm 2019. Tháng hành động vì ATTP năm nay diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5 với chủ đề: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Thông qua Lễ phát động, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu: các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân với chức trách, nhiệm vụ của mình tham gia các hoạt động đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo chuyển biến tích cực trong việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn.
       d. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
       Từ ngày 16/3/2019 đến ngày 15/4/2019, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không phát hiện vụ vi phạm môi trường nào.
       Từ ngày 16/3/2019 đến ngày 15/4/2019, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên xảy ra 1 vụ cháy tại huyện Mỹ Hào. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, tuy nhiên gây thiệt hại về tài sản là 300 triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
       e. An toàn giao thông
       Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/3/2019 đến 15/4/2019, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông, đều là tai nạn đường bộ, làm chết 10 người, làm bị thương 7 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 1 vụ, tăng 9,09%; số người chết và số người bị thương bằng với tháng trước. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 53 vụ tai nạn giao thông, làm chết 45 người, làm bị thương 32 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn bằng với cùng kỳ năm 2018; số người chết tăng 6 người, tăng 15,38%; số người bị thương tăng 3 người, tăng 10,34%./.

Nguồn tin: Cục Thống kê Hưng Yên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây